Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Với phương thức đa cấp, hàng hóa của công ty sẽ đến tận tay người tiêu dùng mà không phải thông qua đại lý, nhưng nhiều Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ở Việt Nam vi phạm nặng nề về nguyên tắc của loại hình kinh doanh này.
Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp:
Theo đó, một số hành vi doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị cấm thực hiện như sau:
- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc, đóng tiền, mua hàng hóa mới được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận hoa hồng, tiền thưởng từ việc dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp của mình
- Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp
- Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đều vi phạm những điều cấm như trên. Nhưng cho đến nay, các công ty đa cấp và phương thức kinh doanh đa cấp vẫn đang phát triển mạnh. Số lượng người tham gia vào những mạng lưới đa cấp ngày càng đông.
Những hành vi này sẽ được xử lý như thế nào khi doanh nghiệp thì trắng trợn “cướp” tiền, còn người dân thì vì lòng tham mà tự nguyện “cho tiền”.
Theo Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện các hành vi như nêu ở trên có thể bị phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng.
Nghị định còn quy định cụ thể các mức phạt đối với cá nhân và doanh nghiệp vi phạm những điều cấm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Tuy nhiên, pháp luật chưa quan tâm đến việc truy cứu trách nhiệm của những người tham gia trong chuỗi các cấp bán hàng khi có hành vi vi phạm mang tính hệ thống.
Cơ chế hoạt động của mạng lưới bán hàng đa cấp có đặc thù là những người tham gia ở các cấp khác nhau có mối liên hệ về tổ chức, hoạt động và lợi ích với nhau. Theo đó, người tham gia ở cấp trên có vai trò tổ chức, điều hành hoạt động và được hưởng hoa hồng, tiền thưởng... từ kết quả bán hàng của những người trong mạng lưới cấp dưới.
Như vậy, khi thông tin đưa ra có sai phạm,gian dối, người tham gia cấp trên là đầu mối cung cấp tài liệu cho cấp dưới. Khi áp dụng truy cứu trách nhiệm đối với từng cá nhân là vô cùng khó khăn vì không thể xác định được mức độ vi phạm của từng người.
Với những quy định như trên, thực chất không thể khắc phục được những hành vi vi phạm do doanh nghiệp đa cấp gây ra. Vì mỗi một “cú lừa” có thể thu về hàng chục triệu đồng.
Việc xử phạt hành chính là quá nhẹ và những quy chế pháp lý như trên không đủ sức điều chỉnh được sự “bùng nổ” của “con đĩa hút máu” mang tên đa cấp.