Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Có thể thấy gần như rác không được phân loại. Phần lớn là sẽ phải đợi chôn lấp. Trong khi khối lượng rác phát sinh mỗi ngày vẫn không ngừng gia tăng. Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thì cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đây là một trong những quy định mới nhất, nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.
1. Khái niệm chất thải, rác thải là gì?
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì khái niệm chất thải (hay còn gọi là rác thải) được hiểu là các chất thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác của con người, bao gồm các chất thải ở các dạng rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác. Trong đó chất thải rắn được hiểu là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.
Chất thải cũng có chất thải nguy hại và chất thải thông thường. Các chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác, các chất thải này phải được xử lý đúng quy trình tránh rò rỉ gây nguy hại đến sức khỏe môi trường.
2. Phân loại rác thải
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì rác thải bao gồm rác thải ở dạng rắn, lỏng, khí và ở các dạng khác. Cụ thể:
- Chất thải rắn sinh hoạt:
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
+ Chất thải thực phẩm;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác.
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường:
+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;
+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;
+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
- Chất thải nguy hại: loại chất thải này bao gồm các chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
- Nước thải: nước thải là chất thải dạng lỏng, bao gồm các loại nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.
- Bụi, khí thải và các chất thải khác: là các chất thải ở dạng bụi, dạng khí từ sinh hoạt hay các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không phân loại chất thải rắn bị phạt tới 1 triệu đồng
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với việc phân loại rác không đúng quy định như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Như vậy, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người. Những hành vi vi phạm pháp luật về phân loại rác thải hay làm ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hãy phân loại rác sinh hoạt ngay tại mỗi gia đình, mỗi hành động nhỏ đều góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.