Chế độ thai sản và dưỡng sức sau sinh là những quyền lợi quan trọng đối với lao động nữ sau khi sinh con. Nếu không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, liệu lao động nữ có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không?
(1) Điều kiện được hưởng chế độ thai sản
Trước tiên là về đối tượng được hưởng chế độ thai sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, những đối tượng được quy định tại điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Lao động nữ mang thai;
(ii) Lao động nữ sinh con;
(iii) Lao động nữ mang thai hộ;
(iv) Lao động nữ nhờ mang thai hộ;
(v) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
(vi) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(vii) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con
Ngoài ra, các đối tượng (ii), (iii), (iv) và (v) phải đảm bảo thêm điều kiện đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
Như vậy, trường hợp lao động nữ mang thai, sinh con mà không đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, sau khi sinh con, phụ nữ đều cần thời gian để nghỉ ngơi, dưỡng sức, vậy trường hợp lao động nữ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản thì có được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh không?
(2) Không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không?
Liên quan đến vấn đề này, theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 52, khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 53, điểm a khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định:
Không áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024
Như vậy, dựa trên các quy định trên, nếu lao động nữ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, thì sẽ không được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh.
Việc này là do các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chỉ áp dụng cho những lao động đã hưởng chế độ thai sản và chưa phục hồi sức khỏe. Do đó, lao động nữ cần đảm bảo đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản nếu muốn có quyền lợi về chế độ dưỡng sức sau sinh.
(3) Người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh trong bao lâu?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh được xác định như sau:
Thời gian nghỉ tối đa:
- 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.
- 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
- 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Theo đó, việc quyết định số ngày được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh của người lao động do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định.
Nếu có ý kiến khác nhau, người sử dụng lao động sẽ quyết định dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn. Trong trường hợp không có công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tự quyết định.
Ngoài ra, trong thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh, người lao động được hưởng hưởng lương với mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.