Không còn xử phạt người mua bán, sử dụng, sản xuất bằng giả?
Nghị định 04/2021/NĐ-CP có nhiều quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên so với Nghị định 138/2013/NĐ-CP, các quy định về mua bán, sử dụng bằng cấp giả đã không còn?
Không còn quy định xử phạt làm giả, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP, những hành vi liên quan đến việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ trái pháp luật được bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ.
Đối chiếu những quy định này trong Nghị định 04 vừa được ban hành gần đây, chúng ta chỉ thấy những hành vi sau bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Điều 23:
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác;
- Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
Như vậy, phải chăng việc làm giả, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả giờ đây đã không còn bị xử phạt?
Vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu không còn hình thức xử phạt hành chính, nghiễm nhiên những hành vi này sẽ phải bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành. Thực tế trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; và tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Điều này có nghĩa, cũng với hành vi làm giả hoặc sử dụng những văn bằng, chứng chỉ trái phép, nếu áp dụng Nghị định 138 và Bộ luật hình sự, chúng ta sẽ khó xác định ranh giới mức độ nào bị xử phạt hành chính, mức độ nào bị xử lý hình sự.
Khi Nghị định 04 có hiệu lực, những hành vi này sẽ không còn được xem là vi phạm hành chính mà được hình sự hóa thành một tội cụ thể và sẽ bị trừng trị nghiêm minh.
Như vậy, thực chất những hành vi liên quan đến làm bằng giả, mua bán, sử dụng bằng giả không còn bị xử phạt hành chính, nhưng vẫn là những hành vi bị xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật!
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 29/01/2021 03:37:32 CH