Khoản phụ cấp công vụ có phải tính vào thuế TNCN không?

Chủ đề   RSS   
  • #611455 11/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần
    SMod

    Khoản phụ cấp công vụ có phải tính vào thuế TNCN không?

    Khoản phụ cấp công vụ có phải tính vào thu nhập chịu thuế không? Có phải từ 01/7/2020 sẽ bãi bỏ phụ cấp công vụ hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

    Khoản phụ cấp công vụ có phải tính vào thuế TNCN không?

    Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định về các khoản thu nhập chịu thuế như sau, trong đó quy định những khoản phụ cấp, trợ cấp không phải chịu thuế bao gồm:

    - Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

    - Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.

    - Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.

    - Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

    - Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.

    - Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao độngLuật Bảo hiểm xã hội.

    - Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.

    - Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.

    - Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.

    - Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

    - Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

    Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế trên phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

    Đồng thời, theo Công văn 1640/TCT-TNCN của Tổng cục Thuế có nêu khoản phụ cấp công vụ bằng 25% mức lương theo Nghị định 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ, áp dụng chung đối với cán bộ công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quản hàm từ ngân sách Nhà nước, không phải là khoản phụ cấp đặc thù, do vậy phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

    Theo đó, các khoản phụ cấp công vụ sẽ không nằm trong thu nhập miễn thuế và sẽ phải tính vào thuế TNCN.

    Phụ cấp công vụ được áp dụng theo nguyên tắc nào?

    Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 34/2012/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng phụ cấp công vụ như sau:

    - Phụ cấp công vụ được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

    - Thời gian không được tính hưởng phụ cấp công vụ, bao gồm:

    + Thời gian đi công tác, làm việc học tập ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

    + Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

    + Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

    + Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

    - Khi thôi làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang thì thôi hưởng phụ cấp công vụ từ tháng tiếp theo.

    - Đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc phụ cấp đặc thù theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được hưởng phụ cấp công vụ quy định tại Nghị định 34/2012/NĐ-CP.

    Như vậy, phụ cấp công vụ sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế nhưng sẽ không tính đóng, hưởng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

    Từ 01/7/2024 sẽ bãi bỏ phụ cấp công vụ?

    Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách tiền lương có nội dung nổi bật về việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp trong đó tiến hành, trong đó:

    Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

    Như vậy, dự kiến từ 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương thì phụ cấp công vụ sẽ được bãi bỏ do đã đưa vào trong mức lương cơ bản.

     
    385 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (22/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận