Khi nào được công khai thông tin vi phạm của doanh nghiệp?

Chủ đề   RSS   
  • #500643 27/08/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Khi nào được công khai thông tin vi phạm của doanh nghiệp?

    Mới đây, dự luận cảm thấy hoang mang, lo ngại trước nghi án Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Xuất nhập khẩu Kiều Giang (gọi tắt là cơm tấm Kiều Giang) với chuỗi cơm tấm Kiều Giang nổi tiếng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Cụ thể, theo bản tin đăng trên website của Ban Quản lý ATTP TP.HCM ngày 22/08/2018 (sau ngày kiểm tra 1 ngày) thì tại thời điểm kiểm tra, cơm tấm Kiều Giang ở xa lộ Hà Nội (quận 9) có ba tồn tại (nguyên văn từ dùng trong bản tin và trong biên bản kiểm tra).

    Gồm có:

    + Khu vực chế biến có ruồi, sàn nhà tại đây gạch vỡ, bong tróc;

    + Có lô hàng 89 cây (đường + phụ gia) khối lượng 1.029 kg không có nhãn mác, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ;

    + Có năm nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang.

    Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra, đề nghị tiệm khắc phục ngay ba tồn tại này, đồng thời phải bảo quản lô hàng có liên quan đã được niêm phong tại tiệm cho đến khi cơ quan kiểm tra giải quyết xong vụ việc.

    Đây có thể được xem là vụ việc về công khai thông tin kiểm tra vi phạm của cơ quan chức năng tiếp nối sau vụ việc Con Cưng trước đó. Cụ thể, trước đây gần 1 tháng, các vi phạm sau khi kiểm tra một chi nhánh của chuỗi cửa hàng Con Cưng cũng được một cục phó Cục Quản lý thị trường công khai xác định tại cuộc họp báo sáng 31/07/2018.

    Theo đại diện của cơm tấm Kiều Giang thì lượng khách đến tiệm giảm 1/3. Có lẽ nhiều người đã dè chừng, cảnh giác… với tiệm cơm nổi tiếng này khi tên tuổi, hình ảnh của tiệm trên công luận và mạng xã hội trong mấy ngày qua hết sức xấu xí. Đối với Con Cưng, tuy ít bị truyền thông thổi phồng sai phạm và gần đây dù đã được Bộ Công Thương cho biết chỉ phạm lỗi nhẹ chứ không phải như công bố lúc đầu của cục phó Cục Quản lý thị trường nhưng lượng khách đến các cửa hàng của doanh nghiệp này giảm khoảng 20%. (Theo Báo pháp luật)

    Có thể thấy, chỉ mới thông tin ban đầu về nghi án có hành  vi vi phạm, chưa xác định hành vi vi phạm, mặt khác cũng chưa có quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng các cơ quan chức năng đã tiến hành công khai thông tin đến dư luận và gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan.

    Đến đây, nhiều người đặt ra thắc mắc: Vậy khi nào thì cơ quan chức năng được quyền công khai thông tin vi phạm đến công chúng? Hành vi công khai thông tin về nghi án vi phạm trong hai vụ việc trên có đúng luật không?

    Theo điểm b khoản 4 Điều 68 Luật An toàn thực phẩm (LATTP) 2010 thì “An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. Và vấn đề về an toàn thực phẩm luôn được dư luận, công chúng quan tâm sâu sắc và xem trọng bởi nó ảnh hưởng đến chính sức khỏe, tính mạng của người dân. Do đó, yếu tố “gây hại” trong an toàn thực phẩm rất nhạy cảm nên việc xác minh về an toàn thực phẩm cần được kiểm tra chặt chẽ và mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ pháp luật. Cũng chính bởi vậy mà LATTP 2010 có quy định rõ ràng về trách nhiệm của hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng như sau:

    Điều 68. Trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm

    4. Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc:

    a) Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử;

    b) Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức;

    c) Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

    d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan.

    Mặt khác, LATTP cũng  quy định về việc thông tin trong vấn đề về an toàn thực phẩm tại khoản 3 Điều 57 như sau:

    Điều 57. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm

    3. Thông tin về các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn; việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn, xử lý đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng pháp luật về an toàn thực phẩm.

    Nội dung trên cũng được ghi nhận trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, theo đó, Điều 27 luật này quy định:

    Điều 72. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính

    1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

    2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

    3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

    Và việc công bố công khai các thông tin vi phạm trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8 Nghị định 81/2013/NĐ-CP. (Các bạn có thể tham khảo thêm để biết rõ hơn phương thức, nội dung thông tin công bố, thẩm quyền công bố, thời gian công bố,…).

    Tương tự, đối với Con Cưng, cách công khai thông tin kiểm tra ban đầu của một cục phó Cục quản lý thị trường cũng đã vi phạm Điều 72 Luật  Xử lý vi phạm hành chính và khoản 4 Điều 5 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016

    Điều 5. Nguyên tắc hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường

    4. Bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

     

    KẾT LUẬN

    Có thể thấy việc công khai thông tin kiểm tra ban đầu mà chưa xác định hành vi vi phạm, và cũng chưa có quyết định xử lý vi phạm hành chính như 02 vụ việc Con Cưng và Kiều Giang của cơ quan chức năng là không có căn cứ pháp lý. Và điều này đã gây ra những tổn thất không hề nhỏ cho chính doanh nghiệp, tổ chức bị nghi án vi phạm. Mặt khác, hành vi này còn khiến dư luận thêm phần hoang mang, lo lắng và quan ngại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc của của các doanh nghiệp, tổ chức trên trong khi chưa có kết luận chính thức.

     

     
    2088 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận