Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải ổn định trật tự, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập, phổ biến nội quy phiên tòa và thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Vậy trong quá trình diễn ra phiên tòa, trường hợp nào Luật sư buộc phải rời khỏi khu vực xét xử theo yêu cầu của chủ tọa?
Nội quy phiên tòa được quy định tại Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 153 của Luật Tố tụng hành chính 2015 và Điều 256 BLTTHS 2015. Nhìn chung trong nội quy, một trong những nguyên tắc cần lưu ý là:
Mọi người trong phòng xử án phải có trang phục nghiêm chỉnh, thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
Tại khoản 2 Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư 02/2017/TT-TANDTC của chánh án TAND Tối cao quy định:
Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.
Lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành các quyết định của Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử về việc buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử; tạm giữ người gây rối trật tự phiên tòa hoặc quyết định khác theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, bất kỳ ai kể cả là Luật sư có những hành động hay cách ứng xử ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến phiên tòa thì cũng có thể bị buộc rời khỏi phòng xử án căn cứ nội quy đã được phổ biến.
Cập nhật bởi lamkylaw ngày 04/03/2020 02:32:24 CH