Trách nhiệm hình sự - Hình minh họa
Gần đây, vụ việc gây xôn xao dư luận về một cô gái “bom” 150 mâm cỗ cưới. Mọi người rất bức xúc vì hành vi thiếu ý thức và vô trách nhiệm của cô gái. Vụ việc trên đã đặt ra câu hỏi, khi nào bom hàng bị xử lý hình sự? Mời bạn theo dõi bài viết để trả lời cho câu hỏi trên.
Quan hệ mua bán hàng hóa thông thường là một loại hợp đồng, giao dịch dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, trường hợp người mua hàng không thực hiện nghĩa vụ nhận hàng và trả tiền hàng, tiền phí giao hàng như theo thỏa thuận trước đó thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và bồi thường tổn thất nếu có.Tuy nhiên, Việc “bom hàng” cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi mục đích, động cơ, tính chất, mức độ nguy hiểm và thiêt hại mà hành vi bom hàng gây ra.
Có thể bị truy cứu Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Người bom hàng sẽ bị truy cứu với tội danh cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác nếu thỏa mãn cấu thành của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó việc bom hàng với những món hàng là vật, đồ dùng, công cụ,.. thì sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người bán và người đi giao hàng. Nhưng trong trường hợp là đồ ăn hay những món hàng không sử dụng lại được thì lại cực kỳ ảnh hưởng tới người bán, đặc biệt trong trường hợp giá trị tài sản cao. Cụ thể khung hình phạt với tội danh trên như sau:
Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Ngoài ra, Việc xác định trách nhiệm hình sự của người bom hàng còn phải xem xét động cơ mục đích của họ là gì.
- Hành vi bom hàng không có dấu hiệu của việc cố ý chiếm đoạt tài sản, trên thực tế người bom hàng cũng không thực hiện chiếm đoạt tài sản nên không thể truy cứu với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được.
Về vấn đề bom hàng hiện nay xảy ra rất phổ biến, và trị giá của món hàng bom thì cũng rất cao có thể lên tới con số hàng triệu hoặc cao hơn. Người thiệt hại khi bị bom hàng có thể là người bán hoặc người giao hàng thông qua các app giao hàng. Nếu việc bom hàng xảy ra thì sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của họ. Thời điểm ban hành Bộ luật hình sự vào năm 2015 và được sửa đổi bổ sung 2017, thời gian các quan hệ xã hội và những phát sinh từ quan hệ xã hội như trên chưa xuất hiện nhiều. Dẫn đến các nhà làm luật khi xây dựng văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể chế tài với những hành vi trên về cả hình sự và hành chính. Do đó, để răn đe và hạn chế tình trạng trên xảy ra việc quy định cụ thể chế tài đối với hành vi trên là rất cần thiết.
Hướng dẫn đòi bồi thường theo trách nhiệm dân sự
Trường hợp, hành vi bom hàng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn có thể đòi bồi thường thiệt theo Bộ Luật dân sự.Theo Điều 360 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường khi vi phạm nghĩa vụ:
“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Vì vậy, người bị bom hàng có thể đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần (nếu có). Theo khoản 2, 3 Điều 419 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng:
“2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc"
Theo đó, người bị bom hàng có thể yêu cầu bên bom hàng bồi thưỡng những tổn thất. Trong trường hợp không bồi thường hoặc bồi thường không đủ thì có thể làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết.
Trên đây là quan điểm cá nhân của mình về vấn đề trên, mong được sự góp ý từ các thành viên dân luật.
Cập nhật bởi hoamattroi9297 ngày 05/10/2020 02:11:03 CH