Khi cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì có cần người chứng kiến không?

Chủ đề   RSS   
  • #612782 14/06/2024

    KieuTrinh87464

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:05/04/2024
    Tổng số bài viết (25)
    Số điểm: 125
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 0 lần


    Khi cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì có cần người chứng kiến không?

    Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là gì? Nguyên tắc áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính? Khi cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì có cần người chứng kiến không?

    1. Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là gì?

    Hiện, chưa có định nghĩa cụ thể cho cụm từ này, tuy nhiên, dựa vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 166/2013/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan thì Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có thể hiểu là việc cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các biện pháp bắt buộc đối với cá nhân hoặc tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Theo đó, việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định này thường nhằm mục đích khôi phục lại tình trạng ban đầu, đền bù thiệt hại, hoặc ngăn chặn các hậu quả tiêu cực tiếp tục phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật.

    2. Nguyên tắc áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

    Tại Điều 3 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng như sau:

    -  Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền.

    - Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.

    - Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

    Theo đó, nguyên tắc áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như phân tích trên.

    3. Khi cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì có cần người chứng kiến không?

    Tại Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

    - Khi nhận được quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

    - Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.

    -  Khi thực hiện cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

    - Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

    - Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.

    + Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

    + Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.

    - Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật mà người bị cưỡng chế chưa thực hiện được ngay thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 86  Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Như vậy, theo quy định tại Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, khi thực hiện cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì phải có đại diện chính quyền địa phương và bắt buộc phải có người chứng kiến.

     
    306 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận