Khi có thông tin bạn liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì công an sẽ tiến hành mời bạn lên phối hợp cung cấp thông tin đề điều tra vụ việc. Xong, khi bị cơ quan công an mời làm việc người dân thường rơi vào trạng thái lo sợ, mất bình tĩnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Vậy, khi bị công an mời lên làm việc, bạn cần lưu ý những gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?
Hiện nay, không có quy định nào bắt buộc công dân phải lên làm việc theo yêu cầu khi nhận được giấy mời của cơ quan công an. Theo đó, giấy mời làm việc không tạo ra nghĩa vụ buộc bạn phải có mặt làm việc nếu bạn không phải là người tham gia tố tụng, thực tế bạn có thể đến hoặc không đến (đây là điểm khác biệt so với việc triệu tập người tham gia tố tụng, sẽ nói rõ hơn tại phần cuối bài viết). Tuy nhiên, trên tinh thần hợp tác, bạn cần có mặt để làm việc làm rõ vụ việc. Còn trong trường hợp không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời thì bạn có thể làm đơn từ chối có nêu lý do vắng mặt rồi gửi đến cơ quan công an. Sau đó, bạn nên đến cơ quan công an trong thời gian sớm nhất để hợp tác làm rõ vụ việc.
Xong, để bảo vệ bản thân cũng như để tránh việc bản thân hoảng loạn từ đó dẫn đến những hành động bất lợi sau này, công dân nên nắm được một số điều cơ bản sau:
>>> Chuẩn bị tâm lý khi tham gia buổi làm việc
Khi được mời lên làm việc phải giữ được tinh thần bình tĩnh, khai đúng, đầy đủ nội dung sự việc mà bản thân biết để phục vụ quá trình điều tra.
>>> Mời Luật sư
Luật sư tham gia ngay từ giai đoạn đầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân khi được mời lên làm việc. Khi có Luật sư đi cùng, bạn sẽ an tâm hơn, tránh được các trường hợp bị dọa nạt, bức cung hay gặp phải tình huống xấu sẽ được tư vấn và xử lý kịp thời từ phía Luật sư của mình.
>>> Lưu ý
– Khi được cơ quan công an, mời lên làm việc, ngoài việc nắm rõ các quyền tối thiểu mà Hiến pháp đã quy định:
+ Điều 20 Hiến pháp 2013 đã quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
+ Công dân có quyền yêu cầu mời làm việc giải thích rõ về các quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc.
- Nếu được, nên có người đi cùng. Việc có một người thứ hai đi cùng cũng khiến cho tâm lý của bạn cảm thấy tự tin hơn trong quá trình làm việc với cơ quan công an. Bởi vốn dĩ, tâm lý của những người bị công an mời lên làm việc thường rất hoang mang, lo lắng vì tự cho là đang ở thế yếu hơn so với cơ quan chức năng.
- Cần thông báo cho người thân, đồng nghiệp, hoặc những người có mối quan hệ mật thiết với mình biết việc tới cơ quan công an trình diện. Việc thông báo này cũng rất quan trọng, vì lẽ để đảm bảo được sự an toàn và đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Khi thông báo, bạn nên để lại thông tin thời gian, địa điểm của việc bạn lên làm việc để khi có trường hợp xấu xảy ra, những người thân thích có thể ứng phó kịp thời.
– Nếu có bất cứ hành vi nào nhằm trấn áp tinh thần, dùng vũ lực đe dọa, các hình thức ép cung, bức cung… công dân cần có thái độ phù hợp, không thái quá, đồng thời yêu cầu ngừng làm việc để có người giám hộ hoặc yêu cầu nhờ luật sư bào chữa. Điều này không chỉ bảo đảm quyền của chính công dân đó mà còn đề cao vị trí, vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ pháp lý cho người dân, hạn chế tình trạng một số người bị áp lực, hoảng loạn dẫn đến những hành động đáng tiếc
– Khi buổi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kết thúc, hai bên sẽ phải ký vào biên bản nhằm xác minh kết quả của buổi làm việc ngày hôm đó. Thông thường, các văn bản với sự tham gia của hai bên thì thường được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực tố tụng hình sự, nhằm đảm bảo tính bảo mật đối với các thông tin liên quan tới vụ án, biên bản kết quả làm việc sẽ chỉ được lập 1 bản và sẽ được cơ quan điều tra lưu trữ. Do vậy, trước khi đặt bút ký vào biên bản đó, chúng ta cần phải đọc thật kỹ những gì được nêu trong biên bản này xem có đúng với những gì mình đã khai báo trong buổi làm việc hay không. Chú ý biên bản làm việc, tiêu đề phải là biên bản làm việc hoặc biên bản đối thoại, chứ không phải biên bản ghi lời khai. Nếu cảm thấy lời ghi trong biên bản không trung thực, bạn yêu cầu ghi lại chính xác nếu không trước khi ký cần ghi rỏ vào biên bản: "biên bản ghi không đúng sự thật" rồi ký. Bên cạnh đó, lại phải nhấn mạnh vai trò quan trọng của luật sư trong giai đoạn này bởi vì luật sư có thể đưa gia những sự nhận xét, đánh giá phù hợp và có lợi nhất cho bạn.
- Cần có thái độ rõ ràng dứt khoát khi làm việc, mời làm việc vì nội dung nào thì chỉ xoay quanh vấn đề đó, bạn “có quyền” từ chối không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email, Nick tài khoản mạng xã hội... hoặc thông tin về các mối quan hệ của mình.
- Bạn có quyền yêu cầu chấm dứt buổi làm việc, nếu cảm thấy tinh thần và trạng thái sức khỏe không được đảm bảo. Nên xác định rõ thời gian làm việc với họ, và đề nghị phải được thông báo cho gia đình về thời gian làm việc. Bạn có quyền được đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc như nghe điện thoại, tuyệt đối không ai có quyền buộc bạn tắt điện thoại, chỉ có thể yêu cầu bạn để chế độ chuông nhỏ, hoặc tạm ngưng liên lạc những việc không thực sự cần thiết. Phải nhớ kỹ điều này.
- Vui vẻ và thư giãn như một buổi đối thoại thực sự. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn lạc quan hơn và đỡ mệt mỏi.
- Tuyệt đối không nên trả lời những vấn đề mà mình không nắm rõ, hoặc không biết chắc, dựa trên những câu hỏi mở có gợi ý của người hỏi. Bởi làm việc theo giấy mời, thường là một kiểu "đối thoại, trao đổi ý kiến" ở một số vấn đề rõ ràng mà người được mời có liên quan, vì vậy phải xác định rằng, đây là một buổi làm việc chứ không phải hỏi cung, do đó Với những câu hỏi dạng có gợi ý trả lời sẵn, thì tốt nhất hãy trả lời rằng: "TÔI TỪ CHỐI TRẢ LỜI CÂU NÀY" vì không liên quan nội dung làm việc hoặc có tính cách cá nhân, riêng tư.
- Không nên quanh co và lẩn tránh vấn đề. Với những câu hỏi có tính cách cá nhân, riêng tư, hoặc những vấn đề không liên quan đến nội dung buổi làm việc. Hãy trả lời thẳng thắn với họ: "TÔI TỪ CHỐI TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀY VÌ ĐÓ LÀ VIỆC CÁ NHÂN CỦA TÔI" chứ đừng né tránh vòng vo, tuyệt đối không bịa chuyện trả lời. Họ có đủ nhân lực, thời gian và đủ sức khỏe để theo đuổi đến cùng.
- Hãy cố tránh không nên ký vào bất kỳ cái gì trừ khi thấy việc ký tên có lợi cho mình. Nhất là các tài liệu do họ lấy trên mạng, trên blog rồi in ra đem đến bảo mình đọc ký xác nhận... Nói với họ những bản in này do anh/chị mang đến, vì vậy các tài liệu đó là của anh/chị chứ không phải của tôi. Phải kiên quyết nhấn mạnh (không tranh luận): những cái này của anh/chị mang đến, do anh/chị in ra thì anh/chị hãy ký xác nhận, xin lỗi không việc gì tôi phải ký xác nhận giùm anh/chị.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, người tham gia tố tụng phải có mặt theo giấy triệu tập. Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ điều tra viên (cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), kiểm sát viên và thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, khi nhận được giấy triệu tập, người tham gia tố tụng có nghĩa vụ như sau:
- Bị can: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã (khoản 3 Điều 60).
- Bị cáo: Phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã (khoản 3 Điều 61).
- Bị hại: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải (khoản 4 Điều 62).
- Người làm chứng: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải (khoản 4 Điều 66).
Nguồn: Tổng hợp
Cập nhật bởi lanbkd ngày 27/10/2019 04:08:22 CH