Khảo nghiệm DUS là gì? Điều kiện để thực hiện Khảo nghiệm DUS

Chủ đề   RSS   
  • #607491 14/12/2023

    Tranxuandung991994
    Top 150
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/09/2018
    Tổng số bài viết (496)
    Số điểm: 8990
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 85 lần


    Khảo nghiệm DUS là gì? Điều kiện để thực hiện Khảo nghiệm DUS

    Khoản 5 Điều 3 Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định Khảo nghiệm DUS (hay khảo nghiệm kỹ thuật) là khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.

    Tính khác biệt của giống cây trồng là khả năng phân biệt rõ ràng của một giống cây trồng với các giống cây trồng được biết đến rộng rãi.

    Tính đồng nhất của giống cây trồng là sự biểu hiện giống nhau của giống cây trồng về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

    Tính ổn định của giống cây trồng là sự biểu hiện ổn định của các tính trạng liên quan như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

    1. Các hình thức khảo nghiệm DUS:

    Khoản 2 Điều 8 Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định khảo nghiệm DUS bao gồm các hình thức sau:

    - Khảo nghiệm DUS được thực hiện tại tổ chức khảo nghiệm được BNNPTNT công nhận theo quy định tại Điều 21 Luật Trồng trọt đối với giống cây trồng nông nghiệp hoặc cơ sở khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định 27/2021/NĐ-CP.

    Người đăng ký gửi mẫu giống đến tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng để tiến hành khảo nghiệm DUS trong thời hạn 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành Thông báo chấp nhận Đơn.

    Trường hợp không đồng ý với kết quả khảo nghiệm DUS, người đăng ký có quyền yêu cầu tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng đã thực hiện khảo nghiệm DUS trước đó hoặc tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng khác thực hiện khảo nghiệm lại.

    Yêu cầu khảo nghiệm lại phải được làm bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do và chứng cứ chứng minh cần phải khảo nghiệm lại đồng thời thông báo tới BNNPTNT.

    - Khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện.

    - Sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS trên cơ sở thỏa thuận quốc tế về trao đổi kết quả khảo nghiệm DUS với quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia có hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.

    2. Điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS:

    - Có hoặc hợp đồng thuê địa điểm và diện tích đất phù hợp để bố trí thí nghiệm khảo nghiệm DUS đối với giống đăng ký;

    - Có hoặc hợp đồng thuê trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc phân tích, đánh giá các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm đối với loài cây trồng khảo nghiệm;

    - Có hoặc hợp đồng thuê phòng thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và được công nhận hoặc được chỉ định đối với trường hợp khảo nghiệm có bao gồm các chỉ tiêu phân tích;

    - Có hoặc hợp đồng thuê giống đối chứng phù hợp với giống đăng ký khảo nghiệm;

    - Có hợp đồng lao động với ít nhất 01 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc các ngành tương tự và có giấy chứng nhận tập huấn về khảo nghiệm DUS do cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ giống cây trồng cấp.

    3. Kiểm tra điều kiện và việc thực hiện khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện:

    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra gồm công chức được giao nhiệm vụ về bảo hộ giống cây trồng; chuyên gia về khảo nghiệm DUS hoặc chuyên gia về loài cây trồng trong Đơn đăng ký bảo hộ.

    - Nội dung kiểm tra: Điều kiện thực hiện khảo nghiệm; việc thực hiện khảo nghiệm; đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống khảo nghiệm theo Tài liệu khảo nghiệm DUS đối với loài cây trồng đăng ký của tổ chức, cá nhân đăng ký.

    - Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra ít nhất 01 lần và không quá 03 lần trong quá trình tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm.

    Biên bản kiểm tra được lập theo quy định tại Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP và lưu trong hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ biên bản kiểm tra trong quá trình thẩm định nội dung đối với Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng để thẩm định báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS.

     
    236 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Tranxuandung991994 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (15/12/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận