Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công điện 02/CĐ-BLĐTBXH, về xử lý vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Quận 12, TP.HCM và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/04/cong-dien-02-mai-am-hoa-hong.pdf Công điện 02/CĐ-BLĐTBX
Cụ thể, tại Công điện 02/CĐ-BLĐTBX có nêu rõ, sáng ngày 04/9/2024, Báo thanh Niên có đăng bài: “Tội ác trong một mái ấm”, kèm theo hình ảnh và clip về tình trạng bạo lực trẻ em nghiêm trọng xảy ra tại cơ sở mái ấm Hoa Hồng tại địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai thực hiện những nội dung như sau:
(1) Thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho các trẻ em là nạn nhân
Cụ thể, tại Công điện 02/CĐ-BLĐTBX, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu khẩn trương, kiểm tra xác minh vụ việc do Báo Thanh Niên phản ánh và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên theo quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
Đồng thời, thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nêu trên và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu UBND TP.HCM nhanh chóng tiến hành rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
Trường hợp phát hiện các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền thì phải xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Cuối cùng, Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu báo cáo lại kết quả thực hiện trước ngày 06/9/2024 đối với đối với vụ việc diễn ra tại Mái ấm Hoa Hồng.
Đối với nội dung rà soát, thanh kiểm tra phải báo cáo về trước ngày 06/11/2024.
(2) Nhân viên tại các mái ấm tình thương cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Căn cứ Điều 25 Nghị định 103/2017/NĐ-CP có quy định về tiêu chuẩn đối với nhân viên trợ giúp xã hội trong các mái ấm tình thương như sau:
- Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng;
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
- Có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội còn phải bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở.
(3) Điều kiện về cơ sở vật chất để mở mái ấm tình thương gồm những gì?
Căn cứ Điều 24 Nghị định 103/2017/NĐ-CP có quy định về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập như sau
- Diện tích đất tự nhiên: Bình quân 30m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10m2/đối tượng ở khu vực thành thị;
- Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 8m2/đối tượng.
Ngoài ra, phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.
- Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện).
- Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho trẻ em có thể tiếp cận và sử dụng thuận tiện.
Theo đó, mái ấm tình thương cho trẻ mồ côi cần phải đáp ứng được những điều kiện về cơ sở vật chất như đã nêu trên.