Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì? Ở đâu? Có bắt buộc không?

Chủ đề   RSS   
  • #612835 14/06/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2288)
    Số điểm: 79449
    Cảm ơn: 78
    Được cảm ơn 1665 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì? Ở đâu? Có bắt buộc không?

    Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì? Khám ở đâu? Khám sức khỏe tiền hôn nhân có bắt buộc không? Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này đến người dân.

    (1) Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì?

    Theo Bộ Y tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân hay còn gọi là khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể khám sức khỏe sinh sản

    Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục...

    (i) Nội dung khám

    Thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe:

    - Kiểm tra sức khỏe chung: mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng…

    - Khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: lậu, giang mai, hạ cam mềm, viêm gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm…

    - Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng: đã mắc các bệnh nào trước đây, đã có những phẫu thuật nào, tim mạch, mắc bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc có tiếp xúc chất độc hại, các tai nạn, thương tích…

    - Bệnh sử gia đình, bệnh về rối loạn tâm thần: người thân trong gia đình mắc những bệnh gì? Cao huyết áp, tim mạch…

    - Bệnh di truyền như: hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu, tan máu bẩm sinh (thalassemia)…

    - Bệnh truyền nhiễm: bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…

    (ii) Các xét nghiệm

    - Kiểm tra đường huyết

    Lượng đường trong máu tăng cao quá mức trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trọng yếu như mạch máu, thần kinh, mắt, thận, tim mạch và hệ thống miễn dịch. Bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tình dục. Kiểm tra đường huyết giúp phát hiện và điều trị sớm tiểu đường, ngăn biến chứng nguy hiểm. Để có kết quả xét nghiệm chính xác, mẫu máu nên được lấy vào buổi sáng, khi chưa ăn uống.

    - Công thức máu

    Máu tĩnh mạch được lấy ra bằng một kim tiêm nhỏ, đem quan sát trong buồng tối đếm dưới kính hiển vi hoặc bằng máy tự động để phân tích các thông số cần thiết. Dữ liệu thu được cho phép đánh giá số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin… thông qua đó phát hiện những rối loạn huyết học như giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu, từ đó xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

    - Viêm gan siêu vi B

    Viêm gan siêu vi B lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Thống kê cho thấy rất nhiều người bị nhiễm loại vi rút này. Mặc dù bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao nhưng người mang siêu vi B vẫn có khả năng kết hôn và sinh con bình thường nếu được tư vấn cách tự chăm sóc bản thân, tiêm ngừa cho vợ hoặc chồng và con ngay khi mới sinh ra.

    Vì thế, bạn và anh ấy cần thực hiện xét nghiệm này để phòng ngừa. Không tốn đến 15 phút để thực hiện xét nghiệm này tại bệnh viện. Xét nghiệm sẽ cho biết sự hiện diện của kháng thể, sự sinh sôi của vi rút và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.

    -  Chức năng thận

    Khi thận suy yếu sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thậm chí tử vong. Thận suy yếu khiến chúng ta kém tập trung, giảm trí nhớ, dễ bị kích thích, giảm ham muốn tình dục, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Xét nghiệm chức năng thận giúp đánh giá chính xác khả năng hoạt động của thận nhằm đưa ra biện pháp phòng ngừa và chữa trị hữu hiệu.

    - Chức năng gan

    Gan tham gia vào hầu hết các hoạt động chuyển hóa và bài tiết của cơ thể. Chức năng gan giảm sút sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm men gan còn giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương tế bào gan. Bình thường nồng độ SGOT, SGPT trong máu thường ở mức dưới 45lU/lít và có khuynh hướng tăng cao trong các trường hợp viêm gan cấp, viêm gan mạn tiến triển, vàng da tắc mật hay một số bệnh lý toàn thân khác.

    - Điện tâm đồ

    Nếu tim suy yếu sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày. Người bệnh thường hay ngất, mệt mỏi, hồi hộp, đau ngực, khó thở. Đặc biệt bạn hoặc anh ấy có thể gặp khó khăn, nguy hiểm tính mạng khi quan hệ vợ chồng.

    Điện tâm đồ được xem như một phương tiện cơ bản để rà soát những bất thường ở tim. Phương pháp này phần nào đánh giá được cấu trúc, hoạt động và chức năng của tim, giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.

    - Tổng phân tích nước tiểu

    Mẫu nước tiểu (lấy giữa dòng) sẽ được xử lý và khảo sát các thông số như tỷ trọng, độ PH, cặn lắng, đạm, đường tế bào và vi trùng học. Kết quả phân tích giúp phát hiện một số bệnh tiềm ẩn như các tổn thương ở cầu thận, ống thận hay đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu…Những bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối và duy trì nòi giống như giao hợp đau, rối loạn cương dương, lãnh cảm, bất lực, vô sinh…

    - X quang ngực phẳng

    Phim X Quang chụp ngực phẳng cho một cái nhìn tổng quan về tim, phổi và các cơ quan lân cận. Dựa vào những dấu hiệu điển hình trên phim chụp, bác sĩ có thể nhận ra nhiều bệnh lý nguy hiểm hay có khả năng lây lan như bệnh phổi tắc nghẽn, viêm phổi hay lao phổi…, như thế bạn và anh ấy có thể ngừa.

    - Xét nghiệm HIV

    Để hạn chế lây nhiễm và bảo vệ mọi người trước hiểm họa HIV, một số quốc gia yêu cầu các đôi nam nữ phải kiểm tra HIV trước khi đăng ký kết hôn.

    Vẫn còn rất nhiều người e ngại khi đề cập đến xét nghiệm này.Thế nhưng nếu thực sự yêu nhau xét nghiệm HIV không phải phải là trở ngại lớn cho hôn nhân. Xét nghiệm này đơn giản chỉ giúp củng cố lòng tin và bảo vệ lẫn nhau mà thôi.

    Hiện nay, xét nghiệm có thể thực hiện miễn phí hay đóng một khoản phí rất thấp tại nhiều cơ sở y tế. Thông tin cá nhân được tuyệt đối bảo mật. Ngoài những xét nghiệm trên, tùy từng trường hợp mà bác sĩ đề nghị làm thêm một số xét nghiệm chuyên biệt như soi cấy dịch tiết, phết tế bào âm đạo…

    (iii) Khám khi nào?

    Theo bác sĩ các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay, để đảm bảo sức khỏe cho con sau này. Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.

    (2) Khám sức khỏe tiền hôn nhân ở đâu?

    Bộ Y tế liệt kê các địa chỉ khám sức khỏe trước hôn nhân như sau: 

    Có nhiều địa chỉ để khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa phương như Bệnh viện phụ sản, bệnh viện đa khoa, Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản… Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, có thể đến các địa chỉ sau:

    - Tại TP HCM: Bệnh Viện Từ Dũ; Bệnh Viện Hùng Vương; Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Sinh Sản; Bệnh Viện Quốc Tế Hạnh Phúc; Bệnh Viện Đa Khoa Vạn Hạnh…

    - Tại TP Hà Nội: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Đại học y Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm chăm sóc SKSS Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Medlatec; Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…

    (3) Pháp luật có bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không?

    Trước đó, tại phiên thảo luận sáng 01/11/2023, Giám đốc Bệnh viện chợ Rẫy đề nghị bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân, cụ thể: 

    Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định khám sức khỏe tiền hôn nhân có tầm quan trọng lớn. Việc này sẽ giúp tìm ra được những bệnh lý truyền nhiễm hay viêm gan B, viêm gan C, giang mai… đặc biệt là các bệnh lý di truyền, tim.

    Theo ông, khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ/chồng cũng như trách nhiệm với thế hệ sau, theo đó, ông cũng đề nghị Chính phủ quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân và cũng có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.

    Bởi lẽ, theo quy định hiện hành, không có quy định bắt buộc khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Trong khi đó, nếu kết hôn với người nước ngoài thì bắt buộc và khám rất sâu, kể cả khám chuyên khoa tâm thần kinh.

    Cụ thể, căn cứ tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

    - Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

    + Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

    + Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

    + Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

    + Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    - Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

    Đồng thời tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, cụ thể:

    Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP; trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã, hồ sơ đăng ký kết hôn gồm các giấy tờ sau đây:

    - Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định; hai bên nam, nữ có thể sử dụng 01 Tờ khai chung;

    - Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ xác nhận công dân nước láng giềng hiện tại là người không có vợ hoặc không có chồng;

    - Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.

    Theo các căn cứ trên, điều kiện đăng ký kết hôn và giấy tờ xuất trình khi đăng ký kết hôn không bắt buộc, yêu cầu khám sức khỏe tiền hôn nhân.

    Như vậy cho đến thời điểm hiện tại, bắt buộc khám tiền hôn nhân chỉ là đề xuất, quy định pháp luật không bắt buộc. Tuy nhiên, khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều cần thiết đối với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, vì thế nếu điều kiện cho phép thì khuyến khích người dân nên đi khám.

     
    538 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (23/08/2024) motchutmoingay24 (14/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận