Pháp luật dân sự quy định như thê nào về người đại diện trong tố tụng dân sự, và có những loại đại diện nào trong tố tụng dân sự. Qua bài viết cùng tìm hiểu về những quy định này.
1. Khái niệm đại diện trong tố tụng dân sự
Để giải quyết một vụ việc dân sự, cần có chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Theo đó, hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện bởi hai nhóm chính sau: Một là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng dân sự. Đó là các chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết vụ việc dân sự. Hai là người tham gia tố tụng dân sự.
Họ có thể là đương sự có quyền và lợi ích trực tiếp liên quan tới vụ việc, có thể là người tham gia vào hoạt động tố tụng để giải quyết vụ việc dân sự nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc hỗ trợ Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự. Trong đó, đương sự là chủ thể không thể thiếu để hình thành quan hệ tố tụng dân sự. Họ tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khi tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự, đương sự thường phải tự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ thể khác có thể thay thế họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ này và từ đó đã hình thành lên hệ đại diện. Những chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ thay mặt đương sự được gọi là đại diện của đương sự. Quan hệ pháp luật trên hoàn toàn phù hợp với chế định đại diện đã được xây dựng tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Như vậy, đại diện được hiểu là một mối quan hệ pháp luật giữa người đại diện và người được đại diện. Đại diện là việc một cá nhân, cơ quan, tổ chức thay mặt cho một cá nhân, cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người được đại diện. Người được đại diện trong tố tụng dân sự là đương sự trong vụ việc dân sự có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người có yêu cầu,... Người được đại diện có thể là cá nhân bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc cá nhân có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi,... Người được đại diện cũng có thể là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự ủy quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự. Cơ quan, tổ chức cũng có đại diện theo quy định của pháp luật. Trong hoạt động tố tụng dân sự, một người đại diện có thể đại diện cho nhiều đương sự. Một đương sự cũng có thể có nhiều người đại diện.
Tuy nhiên, trong trường hợp người đại diện đại diện cho nhiều đương sự thì quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự không được đối lập nhau trong cùng một vụ việc dân sự.
2. Phân loại đại diện trong tố tụng dân sự
Quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, người đại diện trong tố tụng dân sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Người đại diện bao gồm 3 loại: Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo chỉ định và người đại diện theo ủy quyền.
2.1. Đại diện theo pháp luật
Quy định tại Khoản 2 Điều 85 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 “Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.”
2.2 Đại diện theo chỉ định
Người đại diện do Tòa án chỉ định là người tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích của đương sự theo quyết định của Tòa án.
Tòa án chỉ chỉ định người đại diện trong trường hợp đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện. Việc chỉ định người đại diện nêu trên của Tòa án nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của đương sự trong trường hợp đương sự không thể tự mình thực hiện được quyền và nghĩa vụ khi tham gia quá trình tố tụng dân sự.
2.3 Đại diện theo ủy quyền
Có nhiều lí do khác nhau mà đương sự là cá nhân, người đứng đầu pháp nhân, cơ quan, tổ chức...không thể trực tiếp tham gia vào hoạt động tố tụng. Pháp luật cho phép đương sự có thể ủy quyền cho người khác thay thế đương sự thực Điều 88 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 hiện hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 “ Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” và quy định tại Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”.
Như vậy, đại diện theo ủy quyền trong BLTTDS 2015 cũng chính là người đại diện theo ủy quyền trong BLDS 2015. Đại diện theo ủy quyền thể hiện ý chí của cá nhân, pháp nhân mong muốn ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác nhân danh và vì lợi ích của mình để tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự trong phạm vi ủy quyền. Khác với đại diện theo pháp luật và đại diện theo chỉ định, người được đại diện theo ủy quyền là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Chính vì vậy, đương sự có thể chọn người đại diện và quyết định ủy quyền toàn bộ hoặc ủy quyền một phần, một vài công việc cụ thể trong quá trình tố tụng nhằm bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của mình.