Trước khi được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh các chức danh chuyên môn không chỉ riêng gì y sỹ đều phải trải qua thời gian thực hành chuyên môn khám chữa bệnh theo quy định trừ một số ít trường hợp.
Kết quả thực hành khám chữa bệnh của y sỹ có được bảo lưu khi bị bệnh cần điều trị dài ngày?
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP có quy định thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng, trong đó:
- Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 06 tháng;
- Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.
Theo Điều 4 Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng quy định về việc bảo lưu kết quả thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh chuyên môn, trong đó sẽ bao gồm chức danh y sỹ. Theo khoản 1 Điều này quy định:
“Cơ sở hướng dẫn thực hành có trách nhiệm bảo đảm người thực hành được làm việc theo chế độ làm việc của cơ sở. Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc trường hợp bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó.”
Quy định có đề cập là nếu như trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc trường hợp bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó.
Như vậy, trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe như là bị bệnh cần phải được điều trị dài ngày thì người thực hành chức danh y sỹ được phép tạm dừng thực hành và được bảo lưu kết quả thực hành trước đó.
Tuy nhiên, thời gian bảo lưu chỉ được phép tối đa là 12 tháng.
Theo khoản 2 Điều này thì việc bảo lưu kết quả thực hành thực hiện như sau:
- Người thực hành có văn bản đề nghị bảo lưu kết quả thực hành và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh lý do đề nghị bảo lưu;
- Căn cứ đề nghị của người thực hành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét, quyết định việc bảo lưu.
Trường hợp không đồng ý bảo lưu người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
- Trong thời gian 30 ngày sau khi hết thời gian bảo lưu, nếu người thực hành không có văn bản đề nghị tiếp tục thực hành hoặc đề nghị gia hạn thời gian bảo lưu thì kết quả bảo lưu không còn giá trị, tổng thời gian của các lần bảo lưu không quá 12 tháng.
Điều kiện, yêu cầu về cơ sở hướng dẫn thực hành đối với chức danh y sỹ hiện nay như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2023/NĐ-CP có quy định về cơ sở hướng dẫn thực hành, cơ sở hướng dẫn thực hành đối với chức danh y sỹ được quy định như sau:
Đối với y sỹ đa khoa: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện; phòng khám đa khoa; trạm y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là trạm y tế xã).
Đối với y sỹ y học cổ truyền: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc trạm y tế xã. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền.
Như vậy, theo quy định hiện nay thời gian thực hành khám chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng (06 tháng thực hành về khám chữa bệnh, 03 tháng về hồi sức cấp cứu). Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc trường hợp bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó.