Tại Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định:
“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng giới, tuy nhiên cũng không cấm kết hôn đồng giới như Luật Hôn nhân gia đình 2000. Tức là những cặp hôn nhân đồng giới khi kết hôn sẽ không được pháp luật thừa nhận, không được đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, họ có thể sống chung với nhau, tổ chức hôn lễ mà không vi phạm pháp luật, cũng không bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng họ không có các hệ quả pháp lý như vợ chồng.
Để kết hôn được pháp luật thừa nhận, trước hết cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
Và tất nhiên là phải khác giới. Còn về quyền lợi được nhận như bạn hỏi, thì mình nghĩ quyền lợi của kết hôn là vô cùng lớn không chỉ có ý nghĩa trên luật pháp mà còn là vấn đề hệ trọng trong cuộc đời của mỗi người. Trên mặt pháp lý, khi đăng ký kết hôn mối quan hệ của các bạn được pháp luật bảo vệ, mọi mối quan hệ ngoài cuộc hôn nhân của hai người sẽ không chỉ trái đạo đức mà còn trái pháp luật. Ngoài ra, các bạn còn chịu sự ràng buộc bởi các quy định pháp luật về kết hôn, ly hôn. Con của các bạn sẽ có đủ tên của bố mẹ, khi đăng ký khai sinh, hay làm các giấy tờ, hồ sơ sau này. Nói chung, ý nghĩa, quyền lợi của việc kết hôn sẽ tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người nữa, nên câu hỏi này sẽ do mỗi người tự trả lời sẽ khách quan nhất.