Đã có rất nhiều trường hợp thắc mắc về việc vợ chồng ly hôn nhưng vợ (hoặc chồng) không đồng ý cắt hộ khẩu. Vậy cách xử lý trong những tình huống đó như thế nào?
1. Tìm hiểu những quy định về việc tách sổ hộ khẩu
Luật cư trú 2006 quy định rõ trình tự, thủ tục khi tách sổ hộ khẩu:
* Những trường hợp được tách khẩu:
Khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2006 quy định các trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
“a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.”
* Thành phần hồ sơ tách khẩu:
Khoản 2 Điều 27 Luật cư trú 2006 liệt kê những thành phần hồ sơ khi cá nhân muốn tách sổ hộ khẩu, bao gồm:
- Sổ hộ khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ
* Nơi nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
* Thời hạn giải quyết hồ sơ & lệ phí
Khoản 3 Điều 1 Luật cư trú 2006 quy định: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Miễn thu lệ phí khi tách sổ hộ khẩu.
2. Xử lý trường hợp tách sổ hộ khẩu nhưng chủ hộ không đồng ý
Bất kỳ một cá nhân nào có hành vi năng lực dân sự đầy đủ, có nhu cầu tách hộ khẩu và có địa chỉ thường trú hợp pháp đều được tách sổ hộ khẩu với sự đồng ý của chủ hộ.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định chủ hộ được phép tự ý tách sổ hộ khẩu của những cá nhân có tên trong hộ khẩu cũng như không cho phép cá nhân được tách sổ hộ khẩu nếu như chưa có văn bản đồng ý của chủ hộ.
Trường hợp vợ chồng ly hôn nhưng một trong vợ hoặc chồng không đồng ý tách khẩu thì người muốn tách khẩu có thể:
-
Đến UBND phường/xã nơi đăng ký thường trú để tiến hành hòa giải, nhờ cơ quan chính quyền địa phương vận động hoặc đến Công an huyện nơi cư trú trình bày vụ việc để có biện pháp can thiệp cho người còn lại đồng ý tách sổ hộ khẩu.
-
Trong trường hợp chủ hộ là vợ hoặc chồng sau khi ly hôn không đồng ý cho người còn lại được tách hộ khẩu thì có thể bị phạt từ 100.000 đến 300.0000 đồng theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi “Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú”.
Đồng thời, trường hợp người vợ hoặc chồng đã có chỗ ở hợp pháp mới và muốn thay đổi nơi đăng ký thường trú thì trong thời hạn 12 tháng phải tiến hành làm thủ tục đăng ký thay đổi nơi đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi năm 2013