[Hướng dẫn] Thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm

Chủ đề   RSS   
  • #530126 01/10/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    [Hướng dẫn] Thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm

    Pháp luật quy định, người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường với nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thể thống nhất giải quyết thì người bị thiệt hại cần làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Tùy trường hợp, bạn có thể chọn một trong hai con đường tố tụng sau để giải quyết nhé:

    1. Khởi kiện dân sự

    Căn cứ khởi kiện trong trường hợp này được quy định tại khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, khởi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

    Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn (người xúc phạm danh dự, nhân phẩm) có nơi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Mặc khác, nguyên đơn cũng có quyền lựa chọn Toà án có thẩm quyền giải quyết theo điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết.

    Quá trình giải quyết thông thường trải qua các bước:

    Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

    Người bị thiệt hại (hoặc người có quyền khởi kiện khác) nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc Tòa án cấp huyện nơi nguyên đơn cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết.

    Bước 2: Tòa án thụ lý vụ án

    Trong thời hạn 03 ngày từ ngày nhận đơn, Chánh án phân công Thẩm phán xem xét đơn. Trong vòng 05 ngày từ ngày Thẩm phán được phân công xem xét đơn kiện, Tòa án ra một trong các quyết định thụ lý vụ tranh chấp, chuyển đơn khởi kiện hoặc trả lại đơn kiện. Đồng thời đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn.

    Bước 3: Thủ tục hòa giải

    Trường hợp Tòa án thụ lý, Tòa tiến hành thủ tục hòa giải. Trường hợp hòa giải thành công, Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ngược lại. Còn nếu hòa giải không thành, quy trình giải quyết sẽ được tiếp tục.

    Bước 4: Chuẩn bị xét xử

    Trong giai đoạn này, Thẩm phán đưa ra một trong các quyết định công nhận thỏa thuận của hai bên, tạm đình chỉ, đình chỉ hay đưa tranh chấp ra giải quyết.

    Bước 5: Phiên tòa xét xử

    Mở phiên tòa xét xử và giải quyết tranh chấp cũng như đưa ra mức bồi thường thiệt hại cho chủ thể bị xâm phạm uy tính, danh dự.

     

    2. Tố cáo hình sự

    Trường hợp hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nghiêm trọng, đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ thể bị xâm phạm có thể tố cáo người có hành vi này với tội danh Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với Công an cấp huyện nơi chủ thể có nơi cư trú, làm việc. Cùng với đó, người bị xâm phạm còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong cùng vụ án hình sự vì theo nguyên tắc việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

    Quá trình giải quyết vụ án hình sự thông thường trải qua các giai đoạn sau:

    Bước 1: Khởi tố vụ án hình sự

    Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, trong đó các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này được bắt đầu khi có tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và kết thúc khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

    Bước 2: Điều tra

    Đây là giai đoạn cung căn cứ quan trọng làm cơ sở tiền đề cho các giai đoạn sau. Bởi, trong giai đoạn này các cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án. Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là: xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

    Bước 3: Truy tố

    Truy tố là việc nhằm đưa vụ án ra xét xử. Giai đoạn truy tố được bắt đầu khi Viện kiểm sát nhận được bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố do Cơ quan điều tra gửi đến và kết thúc khi có quyết định của Viện Kiểm sát.

    Bước 4: Phiên tòa xét xử

    Mở phiên tòa xét xử về tội phạm cũng như hành vi phạm tội, xem xét các yêu cầu về bồi thường thiệt hại và Hội đồng xét xử đưa ra bản án cuối cùng.

     

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 01/10/2019 06:12:24 CH
     
    1396 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (02/10/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận