Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Chủ đề   RSS   
  • #375932 25/03/2015

    dinhpd20

    Sơ sinh

    Bắc Giang, Việt Nam
    Tham gia:25/03/2015
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 5
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Chào Luật sư

    Tôi xin hỏi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    - Gia đình tôi có mua môt mảnh đất của UBND xã và đã nộp tiền vào thời điểm 20/3/1993.

    Trong bản nộp tiền chỉ ghi số tiền đã nộp không ghi rõ là bao nhiêu M2 vì lúc gia đình tôi mua chưa có bản đồ chỉ cắp sào đóng cọt thôi và do chính chủ tịch UBND xã ký tên đóng dấu.

    sau đó gia đình tôi đã xây nhà  để ơ và một số công trình phụ trên mảnh đất đó, sống ổn đình từ đó đến nay. Trong thời gian từ ngày mua đất đến nay, gia đình tôi đã làm đơn xin được cấp sổ đỏ nhưng vẫn chưa được.

    Năm 2003 gia đình tôi được phòng địa chính huyện gọi nộp tiền và hợp thức hóa mảnh đất đó, nhưng gia đình tôi bảo đất do UBND xã bán đã thu tiền lên gia đình tôi không nộp, và họ cũng đã không làm cho gia đinh tôi.

    Đến năm 2014 UBND xã có làm đất cho một số họ gia đình theo quyết định 1914 của UBND tỉnh bắc giang nhưng gia đình tôi cũng không được làm vì họ bảo hội dân chính của thôn không xác nhận nguồn gốc đất, (hội dẫn chính bảo đất đó xã bán thôn không bán lên không xác nhận được).

    Vậy tôi hỏi luật sư như vậy thì gia đình tôi muốn được cấp GCNQSD đất thì phải làm như thế nào? trình từ ra sao, và có được cấp không ạ

    xin cảm ơn.

     
    9177 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #449831   18/03/2017

    Chào bạn, cám ơn câu hỏi của bạn. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số góp ý, đề xuất như sau:

    Các vấn đề được tư vấn đề xuất cụ thể theo 3 phần chính:

    1.     UBND xã có thẩm quyền giao mảnh đất này không.

    Thời điểm gia đình bạn được UBND xã giao đất là ngày 20/3/1993, vậy văn bản luật điều chỉnh với giao dịch này là Luật đất đai 1987.

    Thẩm quyền giao đất được quy định tại điều 13 Luật Đất đai 1987. Có thể thấy, việc giao đất này của UBND xã là không đúng thẩm quyền (việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện) (UBND xã chỉ có thẩm quyền cho thuê, giao đất trên thuộc quỹ đất công ích xã, phường, thị trấn, nhưng việc giao, cho thuê này vẫn phải đảm bảo đất được sử dụng vào mục đích công ích. Trong trường hợp này, gia đình bạn được giao đất ở).

    Vậy, áp dụng điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, gia đình bạn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

    Điều 23. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền

    1. Đất giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều này bao gồm các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.

    2. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

    (…)

    Trong trường hợp gia đình bạn được UBND xã giao đất (có bằng chứng là giấy tờ trên), và phù hợp với các tiêu chí trên (sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch) thì gia đình bạn được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất. Nguồn gốc đất của gia đình bạn là “được giao không đúng thẩm quyền”, có giấy tờ kèm theo chứng minh. Việc chính quyền địa phương từ chối xác nhận nguồn gốc đất này là không đúng, không phù hợp pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét xác nhận nguồn gốc đất là UBND xã. Bạn có thể nêu trực tiếp vấn đề với cán bộ UBND để được hướng dẫn thêm.

    2.     Cần làm gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bạn

    Vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể kiến nghị hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc cơ quan có thẩm quyền không xác nhận nguồn gốc đất.

    Về trình tự, thủ tục kiến nghị, bạn có thể tham khảo theo điều 209 Luật đất đai 2013 (Điều 209. Tiếp nhận và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và công chức địa chính cấp xã trong việc vi phạm trình tự thực hiện các thủ tục hành chính). Cụ thể như sau:
                     -    Nơi tiếp nhận kiến nghị: do chưa rõ hội dân chính mà bạn đề cập muốn chỉ đến đối tượng nào, nên bạn có thể tham khảo điều 209 để rõ hơn về nơi tiếp nhận kiến nghị (do nơi tiếp nhận kiến nghị là khác nhau với các chủ thể được cho là có vi phạm trong quản lý đất đai khác nhau)

    -     Hình thức kiến nghị: bằng đơn hoặc trực tiếp

    -    Thời hạn giải quyết: không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thư kiến nghị

    -     Kết quả: văn bản trả lời của Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền.

    Hoặc, bạn cũng có thể làm thủ tục khiếu nại, khởi kiện vụ án theo Luật Khiếu nại 2011Luật Tố tụng Hành chính 2015. Tuy nhiên, trước mắt, bạn nên kiến nghị về vụ việc này trước.

    Về thủ tục khiếu nại theo quy định tại Luật khiếu nại 2011 như sau:

    Hoặc làm thủ tục khiếu nại được như sau:

    -                     Nơi tiếp nhận khiếu nại: người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (lưu ý, bạn cũng có thể khởi kiện vụ án hành chính không cần qua bước khiếu nại, tuy nhiên, với giới hạn trả lời câu hỏi của bạn về thủ tục khiếu nại, xin chỉ nêu trình tự, thủ tục của việc này)

    -                     Hình thức khiếu nại: bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp. Ở hình thức khiếu nại trực tiếp, bạn sẽ được người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn trực tiếp.

    -                     Thời hiệu khiếu nại: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. (trừ các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan,…)

    Tuy nhiên, bạn nên lưu ý xem xét kỹ lại giấy tờ về việc cấp đất này trước đây, để xem rõ đây là việc được cho thuê đất hay giao đất, vì nếu trước đây gia đình bạn chỉ được cho thuê đất, thì cách giải quyết vụ việc này sẽ đi theo hướng khác.

    3.     Trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Sau khi đã được xác nhận nguồn gốc đất, bạn thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận (được quy định tại điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP). Cụ thể:

    a)     Trình tự thực hiện:

    Bước 1: Cá nhân chuẩn bị hồ sơ đủ theo quy định.

    Bước 2: Cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất cấp huyện.

    Bước 3: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung tại chỗ hoặc viết phiếu yêu cầu bổ sung. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận vào sổ tiếp nhận hồ sơ, ký vào đơn nơi “ Người tiếp nhận hồ sơ”, đồng thời tiến hành viết biên nhận hẹn ngày nhận thông báo thuế.

    Bước 4: Đến ngày hẹn nhận thông báo thuế, công dân mang biên nhận đến nhận thông báo thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có). Sau đó, nộp biên lai thuế cho bộ phận tiếp nhận. Bộ phận tiếp nhận hẹn ngày nhận giấy chứng nhận.

    Bước 5: Đến hẹn, công dân mang phiếu hẹn đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nhận kết quả.

    b) Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở hành chính tại Văn phòng đăng ký đất cấp huyện.

    c) Thành phần hồ sơ:

    + Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (theo mẫu).

    + Giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, phiếu lấy ý kiến khu dân cư.

    + Trích lục hoặc trích đo.

    + Biên bản xét duyệt hội đồng xét cấp giấy xã.

    + Thông báo công khai hồ sơ (15 ngày).

    + 02 Tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất (Mẫu 01/LPTB - nếu có).

    + 02 Tờ khai tiền sử dụng đất (Mẫu số 01-05/TSDĐ- nếu có).

    + 02 Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (mẫu 11/TK-TNCN-  nếu có).

    + 02 bản giấy tờ khác có liên quan việc miễn giảm nộp tiền sử dụng (nếu có).

    + 02 Đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất (nếu có).

    Ngoài ra, bạn cần phải đóng một số nghĩa vụ tài chính: Lệ phí trước bạ, Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phí thẩm định, phí trích đo,…

    Tóm lại, trong trường hợp gia đình bạn được giao đất trái thẩm quyền, bạn có thể vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trong trường hợp bạn không được xác nhận nguồn gốc của mảnh đất này, bạn có thể kiến nghị, khiếu nại hoặc khởi kiện như trên. Thủ tục, trình tự nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận được quy định tại điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. 

    Trên đây là một số đề xuất, góp ý dựa trên những thông tin bạn đưa ra. Nếu còn những thắc mắc cần giải đáp, mời bạn liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp theo địa chỉ dưới đây.

    Trân trọng.

     

    Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Minh Hiếu.

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI - DỰ ÁN BĐS | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn clevietkimlaw3 vì bài viết hữu ích
    huoiquang (03/02/2020)