Ngày 27/12/2022 Hội đồng Thẩm phán TANDTC có Công văn 206/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
Theo đó, TANDTC thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc giải quyết các vụ án hành chính trong công tác xét xử như sau:
1. Trả hồ sơ chuyển đổi QSDĐ không có lý do
Tình huống đặt ra:
Ông Trần Văn H nộp hồ sơ xin chuyển đổi quyền sử dụng đất tại UBND xã B theo đúng quy định, nhưng bà Nguyễn Thị N là cán bộ của UBND xã B được phân công tiếp nhận hồ sơ đăng ký di biến động đất đai.
Đã nhận hồ sơ đất nhưng trả lại hồ sơ cho ông H và không nêu lý do của việc trả lại hồ sơ đó. Không đồng ý với việc trả lại hồ sơ này, ông H có quyền khởi kiện không? Nếu có thì đối tượng khởi kiện trong trường hợp này là gì?
TANDTC giải đáp thắc mắc:
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì UBND cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong trường hợp này ông H có quyền khởi kiện do UBND xã B không làm đúng quy định về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện như sau:
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày từ ngày có kết quả.
- Trường hợp trao Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện sau khi nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì trả kết quả sau khi người sử dụng đất đã ký hợp đồng thuê đất; trường hợp được miễn nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính thì trả kết quả sau khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định được miễn nghĩa vụ tài chính.
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết.
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Hành vi hành chính bị kiện là hành vi nêu trên mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính về đất đai thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBND xã B. Việc bà N là cán bộ của UBND xã B được phân công tiếp nhận hồ sơ đã trả lại hồ sơ mà không nêu rõ lý do là đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông H.
Đây là hành vi hành chính của UBND xã B mà không phải là hành vi hành chính của bà N. Đối tượng khởi kiện trong trường hợp này là hành vi hành chính của UBND xã B.
2. Thẩm quyền thụ lý của Tòa án đối với vụ kiện dự án quốc phòng
Tình huống đặt ra:
Người khởi kiện khởi kiện quyết định thu hồi đất liên quan đến dự án quốc phòng thì Tòa án có được thụ lý không?
TANDTC giải đáp thắc mắc:
Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Do vậy, Tòa án cần phải xem xét đánh giá tài liệu chứng cứ để xác định việc thu hồi đất của dự án đó có thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng hay không. Nếu không thuộc lĩnh vực trên thì vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
3. Có áp dụng khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 giải quyết vụ án hành chính
Tình huống đặt ra:
Đối với khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”.
Vậy Tòa án có áp dụng quy định này của Bộ luật Dân sự 2015 khi giải quyết các vụ án hành chính hay không?
TANDTC giải đáp thắc mắc:
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: ...
Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết.
Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết .
Như vậy, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính 2015 khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hành chính mà không đưa ra điều kiện đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu như quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Do đó, trong tố tụng hành chính Tòa án không áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 149 của Bộ luật Dân sự 2015 để xác định có áp dụng thời hiệu hay không.