Chào bạn!
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
Trước hết, theo Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 về quyền thay đổi tên:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”
Như vậy, bạn hoàn toàn có thể đổi họ cho con.
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch:
“1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.”
Căn cứ các quy định nêu trên thì việc thay đổi tên cho con phải có lý do chính đáng, vì quyền và lợi ích hợp pháp của con và việc thay đổi họ không được gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần của người khác, không gây ảnh hưởng đến tâm lý của con, xáo trộn đến đời sống, việc học hành của con trẻ, và phải được sự thỏa thuận, đồng ý của cả cha và mẹ. Đồng thời, trong Tờ khai phải thể hiện sự đồng ý của cha, mẹ và do con bạn đã tốt nghiệp tiểu học (>9 tuổi) nên còn phải có sự đồng ý của con.
Tuy nhiên, do chồng bạn đã chết nên bạn là người giám hộ duy nhất của con và trong Tờ khai thay đổi tên cho con bạn chỉ cần sự đồng ý của bạn và con. Vì vậy, việc UBND phường yêu cầu bạn phải viết 1 biên bản họp với gia đình nhà chồng để họ đồng ý cho bạn làm thủ tục chuyển tên cho con là không cần thiết vì gia đình nhà chồng không được thừa kế các quyền và nghĩa vụ của người cha đối với con bạn.
Thứ hai, về thẩm quyền thay đổi tên cho con bạn, theo Điều 27 Luật Hộ tịch 2014:
“Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.”
Theo đó, Ủy ban nhân dân phường nơi bạn làm giấy khai sinh cho cháu có thẩm quyền thay đổi tên cho con bạn.
Thứ ba, để đổi tên cho con, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai xin thay đổi tên cho con (theo mẫu quy định)
- Bản chính giấy khai sinh của con bạn
- Các loại giấy tờ khác có liên quan đến việc thay đổi tên cho con.( chứng minh nhân dân, hộ khẩu, Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử của chồng theo quy định,…)
Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hà Tường Vân
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.