Đăng ký hoặc khai báo tạm trú giúp bảo vệ người dân, đảm bảo tình hình an toàn xã hội, thuận tiện cho cơ quan chức năng trong việc quản lý dân cư và dữ liệu công dân. Vậy đăng ký tạm trú là gì? Có thể làm online được không?
Xem thêm: Chủ nhà hay người thuê phải đăng ký tạm trú? Không đăng ký tạm trú có bị phạt không?
(1) Điều kiện đăng ký tạm trú là gì?
Căn cứ theo Điều 27 Luật Cư trú 2020 được hướng dẫn bởi Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể gia hạn nhiều lần.
- Học sinh, sinh viên, học viên đến ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; người lao động đến ở tập trung tại các khu nhà ở của người lao động; trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội có thể thực hiện đăng ký tạm trú thông qua cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp chỗ ở đó.
- Trường hợp công dân thay đổi chỗ ở ngoài nơi đã đăng ký tạm trú có trách nhiệm thực hiện đăng ký tạm trú mới. Chỗ ở mới không thuộc những địa điểm được quy định tại Điều 23 Luật Cư trú 2020.
- Trường hợp chỗ ở mới trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 55/2021/TT-BCA.
Xem thêm bài viết liên quan: Sinh sống ở nơi khác bao nhiêu ngày thì phải đăng ký tạm trú?
(2) Hướng dẫn cách đăng ký tạm trú online
Đăng ký qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an:
Bước 01: Truy cập vào địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn/?home=1
Bước 02: Sau khi đã truy cập vào địa chỉ nêu trên, công dân kéo xuống tìm mục “Đăng ký, Quản lý cư trú”.
Bước 03: Tiếp theo, chọn mục “Đăng ký tạm trú” sau đó chọn vào mục “Nộp hồ sơ”.
Bước 04: Sau khi thực hiện thao tác tại Bước 03, công dân sẽ được chuyển đến khâu Đăng nhập tại khoản. Tại đây, có thể tùy chọn đăng nhập giữa 02 các đăng nhập là “Tài khoản cấp bởi Cổng dịch vụ công quốc gia” và “Tài khoản cấp bởi Bộ Công An”
Bước 05: Sau khi đã đăng nhập thành công, Công dân thực hiện điền các thông tin vào “Hồ sơ khai báo thông tin về cư trú” theo mẫu.
Công dân điền lần lượt các thông tin từ trên xuống dưới gồm các mục: Cơ quan thực hiện
- Thủ tục hành chính yêu cầu
- Thông tin người đề nghị đăng ký
- Thông tin đề nghị
- Hồ sơ đính kèm
- Thông tin nhận thông báo tình trạng hồ sơ, kết quả giải quyết hồ sơ
Lưu ý: Tại mục “Thông tin đề nghị” ghi rõ địa chỉ đăng ký tạm trú chi tiết (số nhà, đường phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc). Mục “Nội dung đề nghị” sẽ tự động được điền căn cứ vào khai báo hồ sơ tại các bước trên.
Bước 06: Tại đây, công dân tải lên hồ sơ theo quy định gồm giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Kế đến, Tại mục “Thông tin nhận thông báo tình trạng hồ sơ, kết quả giải quyết hồ sơ” Công dân tùy chọn giữa:
- Hình thức nhận thông báo: qua email hoặc qua cổng thông tin.
- Hình thức nhận kết quả: qua email hoặc qua cổng thông tin hoặc nhận trực tiếp
Cuối cùng, công dân tích chọn ô “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên”
Bước 07: Gửi hồ sơ.
(3) Hướng dẫn đăng ký tạm trú bằng VNeID
Trước đây, chỉ có thể đăng ký tạm trú online qua Cổng thông tin dịch vụ công như đã nêu tại mục (2) . Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2024, công dân có thể Đăng ký tạm trú online qua ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Lưu ý: Để đăng ký tạm trú online qua ứng dụng VNeID, công dân cần nâng cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để sử dụng đầy đủ chức năng của VNeID.
Cụ thể các bước thực hiện như sau:
Bước 01: Mở ứng dụng VNeID trên điện thoại và đăng nhập vào tài khoản VNeID của bạn. Chọn mục "Thủ tục hành chính" và sau đó chọn "Thông báo lưu trú".
Bước 02: Chọn “Tạo mới yêu cầu” và kiểm tra lại các thông tin cơ bản của bạn. Chọn “Địa chỉ cơ quan” nơi công dân dự kiến tạm trú và điền đầy đủ thông tin về địa chỉ cơ quan đó. Sau đó nhấn chọn “Tiếp tục”.
Bước 03: Sau khi điền xong, chọn mục “Thông tin cơ sở lưu trú” và lựa chọn “loại hình cơ sở lưu trú” cho phù hợp với nơi đang ở. Nhấn “Tiếp tục” để xác nhận thông tin.
Hệ thống sẽ hiển thị một bảng thông báo “Các thông tin bạn vừa nhập sẽ không thể thay đổi. Bạn có xác nhận muốn tiếp tục”. Nếu đã chắc chắn về thông tin đã nhập công dân chọn vào mục “Xác nhận”. Trường hợp muốn kiểm tra lại thông tin thì có thể chọn “Kiểm tra lại”.
Tổng kết lại, công dân muốn đăng ký tạm trú phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký tạm trú có thể thực hiện trực tiếp cơ quan có thẩm quyền. Hoặc công dân cũng có thể thực hiện đăng ký tạm trú online qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an và ứng dụng VNeID theo hướng dẫn nêu trên.
Xem thêm: Chủ nhà hay người thuê phải đăng ký tạm trú? Không đăng ký tạm trú có bị phạt không?