Hướng dẫn áp dụng quy định về lãi suất, phạt vi phạm

Chủ đề   RSS   
  • #507855 16/11/2018

    TuyenBig
    Top 100
    Female
    Trung cấp

    Bắc Kạn , Việt Nam
    Tham gia:27/03/2018
    Tổng số bài viết (741)
    Số điểm: 27039
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 949 lần


    Hướng dẫn áp dụng quy định về lãi suất, phạt vi phạm

    Là nội dung được đưa ra tại Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm. Theo đó:

    Áp dụng pháp luật về lãi suất trong giao dịch dân sự

    Pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tiền và trong giao dịch dân sự khác không phải là hợp đồng tín dụng (sau đây gọi là giao dịch dân sự) được áp dụng như sau:

    1. Giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 01-01-2006 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực) đến trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) thì thỏa thuận về lãi suất phải phù hợp với quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định tương ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản có hiệu lực tại thời điểm xác lập giao dịch, thời điểm tính lãi suất, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

    a) Trường hợp thỏa thuận về lãi suất phù hợp với trần lãi suất quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định tương ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản thì tiền lãi được xác định theo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

    Ví dụ 1: Ngày 20-2-2013, A ký hợp đồng cho B vay 100.000.000 đồng, thời hạn vay 3 tháng, lãi suất thỏa thuận là 1,1%/tháng tương ứng với lãi suất 13,2%/ năm. Mức lãi suất cho vay hai bên thỏa thuận không vượt quá 13,5%/năm phù hợp với Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm).

    b) Trường hợp thỏa thuận về lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, tiền lãi được xác định theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố; tiền lãi đã trả được tính lại, số tiền lãi đã trả vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản được trừ vào tiền nợ gốc từ thời điểm trả lãi.

    2. Giao dịch dân sự được giao kết từ ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) thì thỏa thuận về lãi suất phải phù hợp với quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

    a) Trường hợp thỏa thuận về lãi suất phù hợp với trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay), thì tiền lãi được xác định theo thỏa thuận, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

    b) Trường hợp thỏa thuận về lãi suất vượt quá mức trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, tiền lãi được xác định bằng 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác; tiền lãi đã trả được tính lại, số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất bằng 20%/năm của khoản tiền vay được trừ vào tiền nợ gốc từ thời điểm trả lãi.

    c) Trường hợp có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm của khoản tiền vay) tại thời điểm trả nợ.

    3. Việc áp dụng pháp luật để xác định lãi suất đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) như sau:

    a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận lãi suất phù hợp với quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) thì áp dụng quy định của BLDS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2015.

    Ví dụ 1: Ngày 20-2-2016, A ký hợp đồng cho B vay 100.000.000 đồng, thời hạn vay 36 tháng (03 năm), lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng tương ứng với lãi suất 18%/năm; hợp đồng có hiệu lực và đang được hai bên thực hiện. Mức lãi suất cho vay hai bên thỏa thuận vượt quá 13,5%/năm (theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm) nhưng phù hợp với mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay). Trường hợp này, Tòa án áp dụng Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để công nhận mức lãi suất 18%/ năm do các bên thỏa thuận.

    b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất không phù hợp với quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) thì khi giải quyết tranh chấp, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự 2005 để giải quyết, trừ trường hợp hợp đồng chưa được thực hiện mà các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi suất phù hợp với BLDS năm 2015 và để áp dụng quy định của BLDS năm 2015.

    Ví dụ 2: Tình huống tương tự như Ví dụ 1 nhưng lãi suất các bên thỏa thuận là 2%/tháng tương ứng với lãi suất 24%/năm. Trường hợp này, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì Tòa án áp dụng Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để không công nhận mức lãi suất vượt quá (4%) mà chỉ công nhận mức lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay (mức trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015).

    c) Giao dịch dân sự có thỏa thuận về lãi suất đã thực hiện xong trước ngày 01-01-2017 mà có tranh chấp thì áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.

    Ví dụ 3: Ngày 20-12-2015, A ký hợp đồng cho B vay 8.000.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng (01 năm), lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng tương ứng với lãi suất 18%/ năm; hợp đồng có hiệu lực và đã được hai bên thực hiện xong. Ngày 20-02-2018, B khởi kiện yêu cầu A trả lại tiền lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm). Trường hợp này, Tòa án áp dụng Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để không công nhận mức lãi suất vượt quá (4,5%) mà chỉ công nhận mức lãi suất 13,5%/năm của khoản tiền vay (150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố).

    4. Giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất thì lãi suất được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi suất và hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

    Về phạt vi phạm trong hợp đồng

    1. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm cho bên bị vi phạm phát sinh kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Mỗi hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng chỉ được thỏa thuận phạt vi phạm một lần. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức phạt trong trường hợp luật liên quan có quy định.

    2. Trường hợp các bên có tranh chấp về việc phạt vi phạm (về thỏa thuận phạt vi phạm, nghĩa vụ bị vi phạm, thời điểm phạt vi phạm, mức phạt vi phạm) thì khi giải quyết tranh chấp nếu xác định bên vi phạm có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm thì Tòa án quyết định bên vi phạm có nghĩa vụ phải thanh toán số tiền phạt vi phạm, không phải thanh toán tiền lãi trên số tiền phạt vi phạm chưa trả.

    3. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi mà đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm. Trường hợp vừa có thỏa thuận phạt vi phạm vừa có thỏa thuận áp dụng lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi của bên vay thì Tòa án chỉ xem xét chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm hoặc yêu cầu thanh toán tiền lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác tùy thuộc vào yêu cầu của bên cho vay.

    Xem chi tiết dự thảo:

    Về lãi đối với nợ gốc quá hạn, nợ lãi quá hạn trong giao dịch dân sự

    - Áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng tín dụng

    - Áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là tiền

    - Về nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án

     

     
    20983 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn TuyenBig vì bài viết hữu ích
    DOMINO_03 (20/11/2018) daituyet_tam (19/11/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận