Hợp đồng tặng cho tài sản là một trong những loại hợp đồng dân sự thông dụng trong đời sống xã hội. Khác với hợp đồng mua bán tài sản, giữ hai bên giao kết hợp đồng tặng cho tài sản thông thường có mối quan hệ tình cảm nhất định (tuy không nhất thiết phải có quan hệ ruột thịt, huyết thống). Thông qua định nghĩa tại Điều 457 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, chúng ta có thể thấy các đặc điểm nổi trội của hợp đồng tặng cho là:
Thứ nhất, hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản;
Thứ hai, việc chuyển quyền sở hữu tài sản này không có đền bù;
Thứ ba, cho dù hợp đồng tặng cho tài sản chỉ mang lợi ích cho một bên (người được tặng cho) tuy nhiên trong trường hợp đồng tặng cho tài sản bắt buộc phải có hai bên;
Thứ tư, hợp đồng tặng cho có thể có điều kiện hoặc không có điều kiện.
Để trả lời cho câu hỏi Hợp đồng tặng cho là hợp đồng đơn vụ hay song vụ? Ta cần chú ý đến đặc điểm thứ tư:
Khoản 1 Điều 462 BLDS quy định: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
“Điều kiện” ở đây được quy định là “nghĩa vụ dân sự” mà bên được tặng cho phải thực hiện theo yêu cầu của bên tặng cho. Theo quy định tại Điều 274 BLDS thì: “ Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.
Nếu trong hợp đồng tặng cho có điều kiện thì chúng ta phải hiểu rằng “nghĩa vụ” mà bên được tặng cho phải thực hiện theo yêu cầu của bên tặng cho chính là điều kiện để bên tặng cho chuyển quyền giao quyền sở hữu cho bên được tặng cho. “Điều kiện này hoàn toàn có thể được thực hiện trước hoặc sau khi bên tặng cho chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho, việc này phụ thuộc vào ý chí của bên tặng cho tài sản.
- Trong trường hợp bên được tặng cho phải thực hiện “điều kiện” trước khi được tặng cho tài sản và đã thực hiện xong “điều kiện” đó, thì bên được tặng cho có quyền yêu cầu bên tặng cho phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho mình hoặc bên tặng cho phải trả thù lao cho công việc mà mình đã thực hiện (khoản 2 Điều 462 BLDS);
- Trong trường hợp “điều kiện” có thể được thực hiện sau khi tặng cho tài sản, thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản nếu bên được tặng cho không thực hiện hoặc thực hiện không đúng “điều kiện” đó (khoản 3 Điều 462 BLDS).
Dựa trên đặc điểm này, ta có thể nói, hợp đồng tặng cho tài sản vừa là hợp đồng đơn vụ vừa là hợp đồng song vụ:
- Là hợp đồng đơn vụ (trong trường hợp hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện): trong trường hợp này chỉ bên tặng cho mới có nghĩa vụ đối với bên được tặng cho (nghĩa vụ bàn giao và chuyển quyền sở hữu tài sản), còn bên được tặng cho có quyền đối với bên tặng cho (có quyền từ chối hoặc nhận tài sản và quyền yêu cầu bên tặng cho phải bàn giao và chuyền quyền sở hữu tài sản cho mình).
- Là hợp đồng song vụ (trong trường hợp hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện): trong trường hợp này cả bên tặng cho và bên được tặng cho đều có quyền và nghĩa vụ đối với bên kia: bên tặng cho có nghĩa vụ bàn giao và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho và có quyền yêu cầu bên được tặng cho thực hiện đúng điều kiện của hợp đồng tặng cho tài sản, còn bên được tặng cho có quyền từ chối nhận hoặc nhận tài sản và quyền yêu cầu bên tặng cho phải bàn giao và chuyển quyền sở hữu tài sản cho mình đồng thời phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên tặng cho yêu cầu mình thực hiện.