Trả lời bạn về vấn đề này như sau:
Tại Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật, theo đó:
1. Sử dụng con dấu
a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.
b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.
c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.
d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.
đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.
2. Sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật
Thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức được sử dụng để ký số các văn bản điện tử do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử.
Từ đó có thể thấy, khi giao kết hợp đồng có nhiều trang, thường các doanh nghiệp sẽ đóng dấu giáp lai trên hợp đồng. Tuy nhiên, không có quy định nào bắt buộc phải đóng dấu giáp lai trên những hợp đồng này. Hợp đồng có hiệu lực hay không phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, chữ ký và đóng dấu của các bên trong phần cuối cùng của hợp đồng. Giá trị pháp lý của văn bản được khẳng định bởi con dấu đóng 1/3 bên trái chữ ký của người có thẩm quyền. Còn việc đóng dấu giáp lai nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản tránh sửa chữa, thay đổi nội dung văn bản.