Hiện tại pháp luật về lao động không quy định đối với hợp đồng cộng tác viên mà chỉ xem xét trên nội dung hợp đồng. Cụ thể:
Thứ nhất, nếu nội dung hợp đồng cộng tác viên có sự ràng buộc về thời gian làm việc (ví dụ làm việc từ thứ hai đến thứ 6, từ … giờ đến … giờ), mức lương cố định hàng tháng, quy định về địa điểm làm việc rõ ràng như một hợp đồng lao động thì vẫn được xem là một hợp đồng lao động.
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
…”
Như vậy, nếu hợp đồng cộng tác viên có nội dung ràng buộc như một hợp đồng lao động thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội nếu thuộc trường hợp theo quy định trên.
Thứ hai, nếu hợp đồng cộng tác viên không ràng buộc về thời giờ làm việc, mức lương cố định, địa điểm làm việc thì được xem là một dạng của hợp đồng dịch vụ, lúc này người cộng tác viên sẽ hưởng thù lao, tiền công khi hoàn thành một công việc hoặc một chỉ tiêu nào đó thì không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.