Hỏi về thành lập đội sơ cấp cứu tại doanh nghiệp

Chủ đề   RSS   
  • #595202 05/12/2022

    Hỏi về thành lập đội sơ cấp cứu tại doanh nghiệp

    Cho mình hỏi về Quyết định thành lập đội sơ cấp cứu tại cơ sở doanh nghiệp:
    Có quy định nào về mẫu quyết định thành lập đội sơ cấp cứu tại cơ sở doanh nghiệp không? Mẫu đó nằm ở quyết định nào? Nếu nhà máy thay đổi đội sơ cấp cứu thì có cần phải làm lại quyết định thành lập đội sơ cấp cứu không hay chỉ cần thay đổi thành viên là được? 

    Mong thư viện pháp luật trả lời dùm mình ạ. Cảm ơn

     
    1252 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn naphank54dhv@gmail.com vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (07/12/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #597562   28/01/2023

    Hỏi về thành lập đội sơ cấp cứu tại doanh nghiệp

    Chào bạn, mình có một vài thông tin hỗ trợ vấn đề của bạn như sau:

    Hiện nay, theo rà soát của mình thì pháp luật chưa có quy định về mẫu chung áp dụng bắt buộc khi thành lập đội sơ cấp cứu tại cơ sở doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tự soạn thảo và ban hành Quyết định thành lập đội sơ cấp cứu tại cơ sở tại doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo mẫu này tại link sau: Mẫu quyết định thành lập đội sơ cấp cứu tại doanh nghiệp.

    Ngoài ra, khi có thay đổi về đội sơ cấp cứu và dẫn đến sự sai khác so với quyết định đã ban hành thì doanh nghiệp cần ban hành quyết định sửa đổi (hoặc thay thế) cho quyết định cũ.

    Bạn có thể tham khảo thêm quy định về tổ chức bộ phận y tế tại Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    Điều 37. Tổ chức bộ phận y tế

    Việc tổ chức bộ phận y tế quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

    1. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất vật liệu xây dựng, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:

    a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động phải có ít nhất 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;

    b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;

    c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;

    d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

    2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:

    a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 500 người lao động ít nhất phải có 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;

    b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động ít nhất phải có 01 y sỹ và 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;

    c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 1.000 người lao động phải có 01 bác sỹ và 1 người làm công tác y tế khác.

    3. Người làm công tác y tế ở cơ sở quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:

    a) Có trình độ chuyên môn y tế bao gồm: bác sỹ, bác sỹ y tế dự phòng, cử nhân Điều dưỡng, y sỹ, Điều dưỡng trung học, hộ sinh viên;

    b) Có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.

    4. Người sử dụng lao động phải thông báo thông tin của người làm công tác y tế cơ sở theo mẫu tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Y tế cấp tỉnh, nơi cơ sở có trụ sở chính.

    5. Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:

    a) Ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định sau đây: cung cấp đủ số lượng người làm công tác y tế theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; có mặt kịp thời tại cơ sở sản xuất, kinh doanh khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp trong thời hạn 30 phút đối với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố và 60 phút đối vùng núi, vùng sâu, vùng xa;

    b) Thông báo thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên theo mẫu tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này với Sở Y tế cấp tỉnh, nơi cơ sở có trụ sở chính.”

    Như vậy, doanh nghiệp có số lao lớn như nêu trên thì phải tổ chức Bộ phận y tế và bộ phận này sẽ có trách nhiệm khám chữa bệnh thông thường, quản lý sức khỏe của người lao động tại đơn vị và sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động.

    Đối với doanh nghiệp không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế theo quy định nêu trên thì cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy định sau: Ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực để cung cấp đủ số lượng người làm công tác y tế theo quy định nêu trên; có mặt kịp thời tại cơ sở sản xuất, kinh doanh khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp trong thời hạn 30 phút đối với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố và 60 phút đối vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hoặc thông báo thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên theo mẫu tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP với Sở Y tế cấp tỉnh, nơi cơ sở có trụ sở chính.

    Hy vọng thông tin của mình hữu ích cho bạn.

     
    Báo quản trị |