Theo quy định hiện hành, người đủ 15 tuổi đã có thể đứng tên trên cà vẹt xe hay chưa? Đủ 15 tuổi được lái những loại xe nào? Lái xe khi chưa đủ tuổi bị xử phạt ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Học sinh đủ 15 tuổi có được đứng tên trên “cà vẹt xe” không?
Căn cứ Khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định về nguyên tắc đăng ký xe như sau:
“Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe.”
Theo đó, có thể thấy, pháp luật hiện hành đã cho phép các cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền đứng tên chủ sở hữu trên giấy đăng ký xe (hay còn gọi là cà vẹt xe).
Tuy nhiên, tại đây cũng cần phải lưu ý, trường hợp muốn để người từ đủ 15 tuổi đứng tên trên đăng ký xe thì cần phải có được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
(2) Đã có đăng ký xe, người 15 tuổi đã có thể lái xe chưa?
Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về độ tuổi của lái xe như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3.
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam
Theo đó, có thể thấy, độ tuổi nhỏ nhất để điều khiển xe máy dưới 50cm3 là từ đủ 16 tuổi trở lên. Cho nên, mặc dù đã có thể được đứng tên trên giấy đăng ký xe nhưng người tham gia giao thông vẫn cần phải đáp ứng được điều kiện về độ tuổi theo quy định.
(3) Điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Theo đó, trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt nhẹ nhất đó là phạt cảnh cáo. Đối với trường hợp từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có thể bị phạt tiền lên đến 600 nghìn đồng.
(4) Có xử phạt bố mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển không?
Căn cứ Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy hay các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 điều khiển (bao gồm cả trường hợp đã có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì có thể bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 800 đến 02 triệu đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện.
- Phạt tiền từ 1.6 đến 04 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.
Theo đó, đối với hành vi giao xe máy cho người chưa đủ tuổi điều khiển thì có thể bị xử phạt theo quy định như đã nêu trên.