Ngày 19/11 vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy tại tỉnh Quảng Bình đã cho 23 em học sinh trong lớp tát vào mặt em 230 cái, cùng chính tay mình tát thêm một cái nữa và mặt em N, học sinh lớp 6.1 chỉ vì em đã có hành vi nói tục trong giờ học. Hành vi của cô giáo nhanh chóng bị làn sóng phản đối, phẫn nộ trong dư luận cả nước và hiện cô đã bị tạm đình chỉ công tác. Hành vi của cô Thủy đã xâm phạm trực tiếp đến thân thể và tinh thần của trẻ em, xâm phạm đến quyền trẻ em được pháp luật Việt Nam và Công ước Quốc tế về trẻ em bảo vệ.
Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội hành hạ người khác :
“1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.”
Thứ nhất, Người phạm tội phải có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như: Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ. Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ. Nhưng trong trường hợp này, cô giáo đã cho phép những học sinh khác tát vào má em N 231 cái ( con số mà mà ai nghe đến cũng sững sốt và giật mình), như vậy không thể xem là hành vi cố ý gây thương tích thông thường. Hành vi của cô giáo không chỉ gây ảnh hưởng đến thân thể của em N mà còn tác động đến tinh thần của em, làm em rơi vào trạng thái hoảng loạn với hai má bị sưng vù và phải nhập viện.
Thứ hai, việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên không có quy định cụ thể về thời gian kéo dài của hành vi mà tùy vào từng vụ việc cụ thể mà người tiến hành tố tụng xác định. Trường hợp này cô Thủy đã cho những học sinh khác tát vào má em N mỗi bạn 10 cái, như vậy có thể xem là một khoảng thời gian đủ dài để truy cứu trách nhiệm hình sự tội này.
Thứ ba, người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hoặc về tôn giáo.
+ Lệ thuộc về quan hệ xã hội. Thông thường là các mối quan hệ lệ thuộc sau đây: Giữa thầy giáo với học sinh; giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa cán bộ quản giáo đối với phạm nhân; giữa chủ với người làm thuê…
+ Lệ thuộc về quan hệ công tác: Là mối quan hệ lệ thuộc giữa nhân viên với thủ trưởng, giữa cấp trên với cấp dưới trong các cơ quan, tổ chức.
+ Lệ thuộc về tôn giáo: Là mối quan hệ giữa những người có chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đối với các tín đồ của tôn giáo đó.
Như vậy quan hệ giữa cô giáo Thủy với em N đã thỏa mãn dấu hiệu trên. Hành vi của cô giáo trên đã trực tiếp và gián tiếp xâm phạm đến sức khoẻ của người khác (gồm sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần), lại đối với một chủ thể mình có nghĩa vụ giáo dục, dạy bảo. Hành vi của cô là cố ý trực tiếp xâm phạm đến thân thể, danh dự của một đứa trẻ, làm ảnh hưởng đến nghề giáo cao quý. Bởi vậy phải có những hình phạt thích đáng để trừng phạt và răn đe.
Cập nhật bởi tientaetae ngày 25/11/2018 10:34:30 SA