Sáng 19.3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Hiền (49 tuổi, trú tại Điện Biên) về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bà Hiền được biết đến là mẹ của "nữ sinh giao gà" - nạn nhân trong vụ án giết người từng gây chấn động dư luận tại tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, tại phiên tòa bà Hiền tiếp tục kêu oan và đề nghị hoãn nhưng không được HĐXX chấp nhận. Qua quá trình xét hỏi, bà bị ngất và đã được hoãn phiên tòa. Như vậy, thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là của toà nào và các trường hợp nào sẽ được hoãn phiên tòa hình sự?
Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm theo Điều 344 Bộ luật TTHS 2015 quy định như sau:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.
Trong vụ án trên, năm 2019, bà Trần Thị Hiền bị xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Điện Biên tuyên 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bà bị cáo buộc mua 2 bánh heroin từ Bùi Văn Công, với giá 320 triệu đồng.
Tháng 5/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo kêu oan của bà Hiền. Tòa phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến phần tội danh và hình phạt của bị cáo này, chuyển hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Điện Biên điều tra lại.
1 năm sau, Chánh án TAND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội về trách nhiệm hình sự của bị cáo Trần Thị Hiền, để xét xử phúc thẩm lại.
Sau khi được kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy một phần bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, yêu cầu xét xử phúc thẩm lại đối với bị cáo Hiền.
Như vậy, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội đã được hủy để xét xử lại theo Điều 391 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cụ thể quy định này như sau:
Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật này. Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm.
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã yêu cầu TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử lại sau phiên toà phúc thẩm tháng 5/2022, nên thẩm quyền xét xử phúc thẩm lại thuộc về TAND cấp cao tại Hà Nội.
Các trường hợp được hoãn phiên tòa Hình sự
Trong vụ án trên, theo Báo Thanh Niên đưa tin bị cáo Trần Thị Hiền trước đó đề nghị hoãn phiên tòa do vắng mặt tất cả các luật sư bào chữa cho mình và sức khỏe của bị cáo không được tốt. Các luật sư của bà Hiền trước đó đều có đơn xin vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, hội đồng xét xử không đồng ý với các lý do đề nghị hoãn phiên tòa và vẫn tiến hành xét hỏi. Quá trình xét hỏi, mẹ nữ sinh giao gà bị ngất xỉu, được kiểm tra y tế.
Do các điều kiện không đảm bảo, cuối cùng vị chủ tọa đã phải thông báo hoãn phiên xử và chưa ấn định thời gian mở lại.
Quy định của pháp luật về hoãn phiên toà hình sự
Theo Điều 297 Bộ luật TTHS 2015, Tòa án hoãn phiên tòa và xét xử lại từ đầu khi thuộc một trong các trường hợp:
1) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật TTHS 2015, cụ thể như sau:
- Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
- Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
- Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định thì phải hoãn phiên tòa.
- Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
- Nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
- Sự có mặt của người bào chữa:
+ Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
+ Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
- Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử
- Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
- Nếu người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
- Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.
2) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
3) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
4) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Như vậy, việc hoãn phiên toà hình sự cần phải đảm bảo đúng quy định pháp luật để đảm báo quá trình tố tụng được diễn ra một cách công bằng, khách quan nhất.