Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (chất POP) là gì? Hồ sơ đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy bao gồm những gì? Trình tự, thủ tục được thực hiện ra sao?
1. Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (chất POP) là gì?
Căn cứ khoản 17 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có định nghĩa về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là chất POP) như sau:
Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định trong Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi là Công ước Stockholm).
2. Hồ sơ đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy bao gồm những gì?
Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm trên cơ sở tổng hợp, đánh giá hiện trạng, dự báo đăng ký miễn trừ chất POP của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định rằng tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- 01 văn bản đăng ký miễn trừ chất POP thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
- 01 báo cáo đăng ký miễn trừ chất POP thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP;
- Kết quả quan trắc và giám sát môi trường gần nhất theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký miễn trừ các chất POP được thực hiện ra sao?
Tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định về trình tự, thủ tục đăng ký miễn trừ các chất POP như sau:
Bược 1: Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký miễn trừ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; thông báo bằng văn bản về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
Bước 3: Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá hồ sơ đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
Bước 4: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP; trường hợp không chấp thuận đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.
Như vậy, hồ sơ, trình tự đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (chất POP) được thực hiện theo quy định nêu trên.