Giấy phép chuyển giao công nghệ là một trong những loại giấy tờ pháp lý cần thiết để thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ. Nội dung dưới đây sẽ cung cấp thông tin liên quan đến trình tự thủ tục cấp loại giấy phép này.
Thủ tục xin giấy phép chuyển giao công nghệ?
Bước 1: Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung, các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu hoặc có văn bản đề nghị gia hạn thời gian việc sửa đổi, bổ sung. Thời gian gia hạn không quá 60 ngày, hết thời hạn này, nếu các bên không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu thì Bộ Khoa học và Công nghệ ra thông báo từ chối cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ và trả lại hồ sơ nếu có yêu cầu.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối cấp Giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ xin cấp giấy phép chuyển giao công nghệ
Hồ sơ cấp giấy phép chuyển giao công nghệ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
- Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.
- Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có).
- Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao.
- Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ.
- Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Một số vấn đề cần lưu ý về chuyển giao công nghệ
- Thẩm định công nghệ dự án đầu tư nếu như dự án đầu tư sử dụng công nghệ được chuyển giao thuộc 2 trường hợp sau (khoản 2 Điều 13 Luật chuyển giao công nghệ 2017):
+ Dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao.
+ Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ.
Nếu dự án có sử dụng công nghệ chuyển giao thuộc các trường hợp trên thì phải thực hiện thủ tục thẩm định công nghệ trước khi áp dụng công nghệ vào triển khai dự án.
- Chấp thuận chuyển giao công nghệ và cấp giấy phép chuyển giao công nghệ: Trường hợp chuyển giao các công nghệ bị hạn chế chuyển giao theo quy định tại Điều 10 Luật chuyển giao công nghệ 2017 và Điều 3 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì phải thực hiện 2 thủ tục:
+ Thủ tục cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 30 Luật chuyển giao công nghệ 2017 thực hiện sau khi đã được chấp thuận chuyển giao công nghệ.
- Đăng ký chuyển giao công nghệ: Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ rơi vào khoản 1 Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ 2017 thì phải thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ với Bộ Khoa học Công nghệ hoặc Sở Khoa học Công nghệ theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 76/2018/NĐ-CP.
- Trường hợp chuyển giao công nghệ không thuộc vào các trường hợp trên thì chỉ cần thực hiện ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, không cần thực hiện thêm các thủ tục nào khác.
Trên đây là một số quy định liên quan đến chuyển giao công nghệ.