Nếu đảng viên mất thì hồ sơ đảng viên của họ sẽ được lưu giữ ở đâu? Người thân có được tra cứu hồ sơ đảng viên của người đã mất không? Hồ sơ đảng viên có giá trị pháp lý như giấy tờ nhân thân không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.
Hồ sơ đảng viên của người đã mất sẽ được lưu giữ ở đâu?
Theo quy định tại Mục 7, Mục 8 về quản lý Thẻ Đảng viên và Hồ sơ Đảng viên trong Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021:
- Phát và quản lý thẻ đảng viên: Đảng viên từ trần thì gia đình của đảng viên đó được giữ lại thẻ đảng viên.
- Quản lý hồ sơ đảng viên:
+ Hồ sơ của đảng viên từ trần hoặc bị đưa ra khỏi Đảng thì cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quản lý.
+ Tổ chức quản lý hồ sơ đảng viên:
Hệ thống sổ theo dõi, quản lý hồ sơ đảng viên gồm: Sổ danh sách đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ (cả đảng viên chính thức và dự bị); sổ đảng viên đã ra khỏi Đảng (xin ra, xoá tên, khai trừ); sổ đảng viên đã từ trần; sổ theo dõi giao nhận hồ sơ đảng viên và mượn đọc hồ sơ đảng viên.
Như vậy, khi đảng viên mất (từ trần) thì người nhà sẽ được giữ lại thẻ đảng viên, còn đối với hồ sơ đảng viên thì sẽ do cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quản lý, người nhà không được lưu giữ tài liệu này.
Người thân có được tra cứu hồ sơ đảng viên của người đã mất không?
Theo Điều 6 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định: Việc phát và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định.
Theo đó, Mục 6 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 có quy định về phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, trong đó quy định rằng: Hồ sơ đảng viên là tài liệu mật của Đảng, không được tẩy xóa, tự ý sửa chữa. Tổ chức đảng phải quản lý chặt chẽ hồ sơ đảng viên theo chế độ bảo mật.
Đồng thời, tại Mục 8 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 quy định về nghiên cứu, khai thác hồ sơ đảng viên:
- Cán bộ, đảng viên muốn nghiên cứu hồ sơ đảng viên phải được sự đồng ý của cấp ủy quản lý hồ sơ và phải thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ quản lý hồ sơ đảng viên. Việc nghiên cứu hồ sơ đảng viên được tiến hành tại phòng hồ sơ. Trường hợp cần sao chụp hồ sơ đảng viên để nghiên cứu thì phải được cấp ủy quản lý hồ sơ đồng ý.
- Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ đảng viên tuyệt đối không được tẩy xoá, sửa chữa, ghi thêm, đưa thêm hoặc rút bớt tài liệu trong hồ sơ.
- Khi đảng viên xem hồ sơ của mình, nếu thấy có vấn đề gì chưa đồng tình thì phải báo cáo với cấp ủy quản lý hồ sơ xem xét, giải quyết.
- Cán bộ được giao quản lý hồ sơ đảng viên phải lưu giấy giới thiệu, có sổ theo dõi, ghi rõ ngày tháng năm, họ tên, đơn vị của người đến nghiên cứu hồ sơ. Người được cấp ủy cho mượn hồ sơ để nghiên cứu phải ký mượn vào sổ theo dõi và trả lại hồ sơ đúng thời gian.
Như vậy, hồ sơ đảng viên là tài liệu mật của Đảng, chỉ có cán bộ và đảng viên đã được sự đồng ý của cấp ủy quản lý hồ sơ và thực hiện đúng quy định thì mới được nghiên cứu, khai thác hồ sơ đảng viên. Theo đó, người nhà đảng viên sẽ không được tra cứu hồ sơ đảng viên dù đảng viên đã mất.
Hồ sơ đảng viên có giá trị pháp lý như giấy tờ nhân thân không?
Theo các phân tích phần trên, hồ sơ đảng viên là tài liệu mật của Đảng và được quản lý chặt chẽ theo chế độ bảo mật. Vì vậy, hồ sơ đảng viên dù cho chứa đầy đủ và chính xác thông tin về nhân nhân nhưng không được sử dụng như giấy tờ nhân thân mà sẽ được lưu trữ tại tổ chức đảng có nhiệm vụ quản lý, lưu trữ.