Sau đây là bài viết hướng dẫn Hộ gia đình về việc treo biển hiệu làm sao để đúng luật hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn:
Theo quy định tại Điều 34 Luật quảng cáo 2012 quy định về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:
Về nội dung:
- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
- Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ, điện thoại.
Về thể hiện chữ viết trên biển hiệu: phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này như sau:
- Nội dung phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp:
+ Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
+ Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Về kích thước biển hiệu:
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Lưu ý: - Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
*Nếu Hộ gia đình chỉ là treo biển hiệu cho cơ sở kinh doanh của mình thì sẽ không phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ cần biển hiệu của bạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện như quy định ở trên.
*Nếu bảng quảng cáo của Hộ gia đình có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào tường nhà, thì phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương (theo trình tự thủ tục tại Điều 31 Luật quảng cáo 2012).
Về cách đặt biển hiệu: được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 2 Điều 2 Chương 2 của Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 20/05/2018 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời như sau:
Vị trí, địa điểm, khu vực xây dựng, lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân theo các yêu cầu sau:
- Đảm bảo mỹ quan đô thị;
- Đảm bảo tầm nhìn giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và không che khuất tầm nhìn biển báo giao thông;
- Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu thoát nạn, yêu cầu cứu hộ cứu nạn, kết cấu xây dựng, trật tự an toàn xã hội;
- Đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng.
CHÚ THÍCH: Phạm vi không được phép xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo đối với cầu, hầm đường bộ xem Phụ lục A của thông tư này.
Vị trí treo đối với biển hiệu: treo/gắn/ốp sát cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Trường hợp biển hiệu treo ngang cổng hoặc lối vào phải đảm bảo khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi không nhỏ hơn 4,25 m.
Về chế tài: Nếu vi phạm các quy định trên, thì hộ gia đình sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2012/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình có sẵn mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
|
Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
Căn cứ: điểm 6, khoản 2 điều 60 Nghị định 158/2012/NĐ-CP
|
- Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại;
- Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định, trừ trường hợp quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều này.
|
Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Căn cứ: khoản 1 Điều 66 Nghị định 158/2012/NĐ-CP
|
- Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;
- Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;
- Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
- Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
- Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
|
Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
Căn cứ khoản 2 Điều 66 Nghị định 158/2012/NĐ-CP
|
- Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;
- Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;
- Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.
|
Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Căn cứ: khoản 3 Điều 66 Nghị định 158/2012/NĐ-CP
|
Biện pháp khắc phục: Buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 66 Nghị định 158/2012/NĐ-CP.
|
Vậy, việc treo biển hiệu quảng cáo dọc theo các đường phố cần phải theo quy định của pháp luật, chứ không phải hiển nhiên mà được đặt theo nhu cầu của mỗi hộ gia đình kinh doanh. Vì vậy, các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ cần lưu ý để tránh bị phạt vi phạm do lỗi (Luật đã quy đinh định) mà mình không hay biết;
Cập nhật bởi Linhngo99 ngày 01/10/2019 09:31:53 SA