Hiểu thế nào là phạm tội lần đầu

Chủ đề   RSS   
  • #600934 30/03/2023

    Hiểu thế nào là phạm tội lần đầu

    Theo giải đáp tại mục 4 phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao ngày 7/4/2017, phạm tội lần đầu được định nghĩa như sau “phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”. Công văn 01/2017 ban hành tại thời điểm BLHS 1999 đang có hiệu lực, giải thích những trường hợp người phạm tội được xem là đã xoá án tích quy định tại bộ luật này mà tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được xem là phạm tội lần đầu.

    Ngày 24/4/2018, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP. Tại khoản 2 điều 2 của Nghị quyết này quy định:

    “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;

    b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

    c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

    d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.

    Theo quy định của BLHS 2015, người được xoá án tích coi như chưa bị kết án (khoản 1 điều 69). Chỉ có hai trường hợp được coi là “không có án tích” theo quy định của BLHS. Thứ nhất là người đương nhiên được xoá án tích và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì được xác nhận là không có án tích (khoản 4 điều 70). Thứ hai là người dưới 18 tuổi bị kết án thuộc một số trường hợp quy định tại khoản 1 điều 107.  

    Như vậy đã có sự khác nhau trong định nghĩa “phạm tội lần đầu” ở Công văn giải đáp và Nghị quyết của TANDTC, quy định ở Nghị quyết 01/2018 nhìn chung có lợi hơn cho người phạm tội hơn so với giải thích ở Công văn. Có hai quan điểm chính trong vấn đề này như sau:

    - Vì Nghị quyết 01/2018 có phạm vi áp dụng đối với các trường hợp tha tù trước thời hạn; còn Công văn 01/2017 giải đáp cụ thể về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, đồng thời quy định về tình tiết giảm nhẹ này tại BLHS 1999 và BLHS hiện hành không thay đổi. Vậy nên đề nghị áp dụng quan điểm giải thích về “phạm tội lần đầu” theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC.

    - Về giá trị pháp lý, Nghị quyết của HĐTP TANDTC là văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong khi đó Công văn giải đáp chỉ mang tính tham khảo, hướng dẫn, không có tính bắt buộc. Đồng thời theo chính sách hình sự nước ta, khi có sự xung đột về pháp luật cần áp dụng quy định có lợi hơn cho người phạm tội. Vì vậy cần áp dụng quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP để giải thích khái niệm “phạm tội lần đầu”.

     

     
    3727 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #601622   02/04/2023

    Hiểu thế nào là phạm tội lần đầu

    cảm ơn thông tin hữu ích bạn đã chia sẻ. Thông thường người ta sẽ hiểu "phạm tội lần đầu" là trước giờ chưa phạm tội lần nào. Tuy nhiên ngoài trường hợp trên thì người phạm tội trước đó hực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn TNHS, áp dụng biện pháp giáo dục, được coi là không có án tích. Mình thấy quy định này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật bởi người được xem là phạm tội lần đầu thì mức xử phạt cũng nhẹ nhàng hơn.

     
    Báo quản trị |