Pháp luật hình sự Việt Nam quy định “phạm tội có tính chất côn đồ” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015). Ngoài ra, tình tiết "có tính chất côn đồ" còn được xem là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của 02 tội phạm cụ thể: Tội giết người (Điều 123) và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).
Vậy theo quy định hiện hành, cần hiểu thế nào là “có tính chất côn đồ” trong vụ án hình sự?
“Côn đồ” theo từ điển tiếng việt được hiểu là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo.
Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích “có tính chất côn đồ” là hành động của những tên:
- Coi thường pháp luật;
- Luôn phá rối trật tự trị an;
- Sẵn sàng và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác;
- Vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.
Hiện nay, Án lệ số 17/2018/AL có xác định yếu tố được đánh giá là “có tính chất côn đồ” là việc: “chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.”
Nhìn chung, hành vi “có tính chất côn đồ” có những đặc điểm sau:
- Thứ nhất, về tính chất mức độ nguy hiểm của yếu tố “côn đồ” được xem xét trong các trường hợp xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, đặc biệt là cố ý gây thương tích và giết người. Theo đó, tính chất “côn đồ” được thể hiện chủ yếu nhất là trong hành vi người thực hiện tội phạm sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực, cố ý dùng các phương tiện, vũ khí sắt, nhọn, nguy hiểm và có tính sát thương cao như mã tấu, dao phay, kiếm, súng,… tác động mạnh như đâm, chém, bắn,… vào các vùng trọng yếu của cơ thể như đầu, ngực, lưng, bụng,…. Nhờ vậy, khả năng gây thương tích cho nạn nhân cao hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với các hành vi thông thường và hậu quả dẫn đến chết người là không thể tránh khỏi. Bằng các phương thức thực hiện tội phạm này, người phạm tội nhanh chóng và dễ dàng đạt được mục đích của mình trong sự ghê rợn của nạn nhân cũng như mọi người xung quanh.
- Thứ hai, đối tượng thực hiện hành vi “có tính chất côn đồ” thường là những người coi thường pháp luật, thường xuyên phá rối trật tự trị an. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các đối tượng này là những người trình độ thấp, ít học, thất nghiệp, ăn chơi lêu lỏng và là thành phần của nhiều tệ nạn xã hội khác. Do đó, những đối tượng này có trình độ và ý thức pháp luật kém, thường có nhân thân xấu, đã có tiền án, tiền sự. Một trong những hành vi phổ biến hiện nay là thích gây sự, hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng và nền tảng của “tính chất côn đồ” cũng được hình thành từ những hành vi sai trái nhỏ này.
Thứ ba, nguyên nhân để thực hiện hành vi phạm tội được xác định “có tính chất côn đồ” hay không cũng là yếu tố cần được xem xét. Chỉ cần vì những nguyên nhân nhỏ nhặt, vô cớ hoặc vì những duyên cớ vô lí thì họ đã có thể thực hiện hành vi phạm tội. Những nguyên nhân này rất đơn giản và nhỏ nhặt như việc chỉ cần người khác có biểu hiện thái độ với đối tượng này, mà họ cho là vô lễ hay khinh thường họ thì hành vi hành hung đã có thể xảy ra. Hay những nguyên nhân khách quan vô lí khác như trả thù thay cho đàn anh, đàn em của họ. Hay thậm chí là tư tưởng chỉ cần thích là đánh.
- Ngoài ra, một số yếu tố khách quan khác cũng thể hiện được “tính chất côn đồ”. Sự chuẩn bị, trang bị vũ khí, phương tiện thực hiện tội phạm như mã tấu, dao phay, kiếm,… thể hiện ý chí mong muốn tước đoạt sức khỏe, tính mạng của người khác một cách hung hãn, côn đồ. Động cơ và mục đích thực hiện tội phạm cũng rất vô lí, như là chỉ để dọa nạt, uy hiếp người khác, bắt người khác phải khuất phục mình,… hay nguy hiểm hơn là muốn tước đoạt tính mạng người khác. Hơn nữa, tương quan lực lượng trong những vụ án này thường rất chênh lệch, chủ yếu là đánh hội đồng 3 – 4 người cùng đánh 1 người. Ngoài ra, thời gian, địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện cũng thể hiện yếu tố côn đồ trong vụ án hình sự.
Nói thêm: Cũng cần phân biệt giữa “côn đồ” với “phạm tội có tính chất côn đồ”. Khi nói đến một con người côn đồ là nói đến một chủ thể cụ thể, còn “có tính chất côn đồ” là chỉ hành vi của con người khi thực hiện tội phạm. Một con người côn đồ khi thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc đã có tính chất côn đồ.
Tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 về nguyên tắc xử lý, quy định:
“Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”. Vậy côn đồ trong trường hợp này là con người “côn đồ” hay “phạm tội có tính chất côn đồ”.
Theo đó, quy định trên áp dụng với con người có bản chất côn đồ, còn người “phạm tội có tính chất côn đồ” đã được pháp luật hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tăng nặng định khung hình phạt, là tình tiết được xem xét khi quyết định hình phạt thì không nên áp dụng điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật hình sự.
Nguồn: Tổng hợp