Ngày 3/8/2020 Bộ Tư pháp ban hành Công văn 2795/BTP-VĐCXDPL trả lời thắc mắc của công dân về việc một văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Công báo và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật mà có sự khác nhau thì văn bản được đăng trên Công báo hay văn bản được đăng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn và chính thống hơn.
Về vấn đề này Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
- Về giá trị pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo, khoản 1 Điều 150 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:
“5. Văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo in và Công báo điện tử là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc”.
Để cụ thể hóa quy định của Luật, Điều 87 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giá trị pháp lý của văn bản đăng trên công báo như sau:
“Văn bản đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như bản gốc. Trường hợp có sự khác nhau giữa Công báo in và Công báo điện tử thì sử dụng Công báo in làm căn cứ chính thức”.
- Về giá trị pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Điều 4 Nghị định 52/2015/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật quy định:
“Văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được sử dụng chính thức trong việc quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Công báo và giá trị như bản gốc. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Công báo và văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật thì áp dụng văn bản được đăng trên Công báo.
Xem chi tiết công văn tại file đính kèm: