Hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp cần phải có hệ thống điện riêng không?

Chủ đề   RSS   
  • #603795 06/07/2023

    nitrum01
    Top 500


    Vietnam
    Tham gia:25/12/2022
    Tổng số bài viết (281)
    Số điểm: 2032
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 35 lần


    Hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp cần phải có hệ thống điện riêng không?

    Hiện tại, tại các nhà chung cư thì có yêu cầu bắt buộc phải có hệ thống điện riêng cho đèn chiếu sáng khẩn cấp hay không? Nó được quy định tại đâu?
     
    Hệ thống điện dùng cho dịch vụ an toàn - Hệ thống đèn chiếu sáng
     
    Theo quy định tại tiểu mục 2.3.6 mục 2.3 Quy chuẩn quốc gia QCVN 12:2014/BXD về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng thì có đề cập hệ thống điện dùng cho dịch vụ an toàn phải có hệ thống điện riêng để duy trì hoạt động các bộ phận thiết yếu cho dịch vụ an toàn làm việc ở mọi thời điểm, mọi điều kiện. Đồng thời cũng liệt kê các dịch vụ an toàn bao gồm, nhưng không giới hạn bởi các hạng mục sau:
     
    - Chiếu sáng khẩn cấp, thoát hiểm; Bơm chữa cháy; Thang máy để cứu hộ khi xảy ra cháy; Hệ thống báo động (có cháy, khói, khí CO, đột nhập);
     
    - Hệ thống sơ tán; Hệ thống hút khói; Hệ thống quạt tăng áp cầu thang thoát hiểm; Thiết bị y tế thiết yếu.
     
    Và trong mạch IT phải có thiết bị kiểm soát cách điện liên tục để phát tín hiệu bằng âm thanh và ánh sáng khi xuất hiện sự cố chạm đất đầu tiên.
     
    Nguồn điện dùng cho dịch vụ an toàn
     
    Theo quy định tại tiểu mục 2.3.7 mục 2.3 Quy chuẩn quốc gia QCVN 12:2014/BXD về nguồn điện dùng cho dịch vụ an toàn có đề cập nguồn điện dùng cho dịch vụ an toàn (ắcqui, pin, tổ máy phát điện độc lập, lộ riêng độc lập với lộ cấp điện bình thường) phải có đủ công suất, độ tin cậy, thời gian hoạt động đáp ứng cần thiết, thông số đặc trưng và thời gian chuyển đổi thích hợp theo quy định. Nguồn điện dùng cho dịch vụ an toàn phải được lắp cố định ở vị trí thích hợp, có biện pháp thông gió và thoát khí thải ra ngoài một cách an toàn. Sự cố ở nguồn cấp điện bình thường không được gây ảnh hưởng bất lợi cho nguồn điện này.
     
    Đồng thời, nguồn điện dùng cho dịch vụ an toàn dùng kết hợp cho các mục đích khác thì không được gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính. Phải có biện pháp để khi có sự cố ở mạch cung cấp điện cho mục đích khác không làm mất điện của dịch vụ an toàn. Và nếu một nguồn dùng cho dịch vụ an toàn cấp điện đồng thời cho dịch vụ an toàn của nhiều tòa nhà thì sự cố trong các dịch vụ an toàn của một tòa nhà không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nguồn đó.
     
    Yêu cầu đối với mạch điện dùng cho dịch vụ an toàn
     
    Hiện tại, theo Quy chuẩn này mạch điện của dịch vụ an toàn phải độc lập với các mạch khác. Khi thiết bị được cấp điện từ hai nguồn khác nhau thì sự cố xuất hiện trong mạch của nguồn này không được gây ảnh hưởng xấu đến bảo vệ chống điện giật hoặc hoạt động đúng của nguồn kia. Thiết bị có dây PE thì dây PE này phải được nối với dây PE của cả hai mạch.
     
    Trong trường hợp cắt quá tải làm mất nguồn cấp điện có thể gây ra mối nguy hiểm lớn hơn thì thiết bị bảo vệ chống quá tải không được tự động cắt nguồn điện mà phải có biện pháp theo dõi sự xuất hiện của quá tải để khắc phục. Và bảo vệ chống ngắn mạch và chống điện giật trong điều kiện bình thường và trong trường hợp sự cố phải được đảm bảo ở phương án đấu nối bất kỳ với nguồn cấp điện bình thường và nguồn dùng cho dịch vụ an toàn.
     
    Thiết bị bảo vệ chống quá dòng phải được chọn và lắp đặt sao cho không để quá dòng trong một mạch làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng của mạch dùng cho dịch vụ an toàn. Tủ điện của dịch vụ an toàn phải được cách ly khỏi các thành phần của hệ thống điện bình thường và phải đảm bảo khả năng chịu cháy trong thời gian quy định.
     
    Như vậy, có thể thấy hệ thống điện cho đèn chiếu sáng khẩn cấp nói riêng hay hệ thống điện dùng cho dịch vụ an toàn nói chung thì phải hoàn toàn độc lập với hệ thống điện sử dụng của nhà chung cư.
     
    226 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận