Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có điểm mới nổi bật so với tinh thần của luật cũ, theo đó Luật đã bỏ hành vi “bỏ trốn” ra khỏi cấu thành của tội danh này. Cụ thể, tại Điểm a Khoản 1 Điều 175 quy định như sau:
Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả
|
Mặt khách quan trong cấu thành tội phạm của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có điểm mới đặc biệt quan trọng. Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về hành vi khách quan của tội này là sau khi vay, mượn, thuê, tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, chủ thể đã thực hiện một trong ba hành vi sau:
- Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó;
- Hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
- Hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) đã quy định thêm một hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đó là “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Đây chính là một bước hoàn thiện của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm tài sản là hành vi chiếm đoạt, nhưng khác với hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác, hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản. Khi một chủ thể có được tài sản thông qua hợp đồng nhưng “cố tình không trả” thì chủ thể đó đã vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản với lỗi cố ý trực tiếp, gây hậu quả là làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản.
Tuy nhiên trong thực tế áp dụng BLHS 2015, không biết vì lý do gì mà nhiều cơ quan tố tụng ở nhiều địa phương vẫn áp dụng luật theo tư duy lối mòn, với quan điểm “không hình sự hóa các mối quan hệ dân sự”. Đối với hày vi vay tiền, đến hạn trả nhưng cố tình không trả. Trong khi đó, hành vi đã đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS. Khi có sự vụ phát sinh, đích thân Luật sư hướng dẫn thân chủ làm đơn yêu cầu khởi tố thì đều bị Cơ quan CSĐT, VKS hướng dẫn làm thủ tục chuyển sang Tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự.
Như thế nào là “có điều kiện và khả năng trả nợ”?
Đây là yếu tố quan trọng để cấu thành hành vi phạm tội. Tuy nhiên hiện tại chưa có hướng dẫn nào của HĐTP về cách hiểu và áp dụng pháp luật trong trường hợp này. Tất cả những yếu tố liên quan đến “điều kiện” và “khả năng” trả nợ hiện tại đều phải dựa trên yếu tố “cảm quan cá nhâ” chứ không có cơ sở pháp lý cụ thể.
Hơn nữa, hiện tại cũng xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận cho rằng, việc làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án nếu rơi vào trường hợp này thì người yêu cầu khởi tố phải chứng mình được người bị yêu cầu khởi tố thật sự có khả năng và điều kiện trả nợ. Tuy nhiên, nếu xem đây là yếu tố cấu thành tội phạm thì nghĩa vụ chứng minh nó phải thuộc về cơ quan điều tra. Không biết ý kiến của các bác thế nào?
Và điều cấp thiết hơn bao giờ hết là đợi hướng dẫn của HĐTP về cách áp dụng pháp luật trong trường hợp này. Bởi trong thời buổi “tín dụng đen” đang bùng nổ, các hoạt động cho vay tài tín chấp đang diễn ra rất sôi nỗi trên thị trường thì những “tranh chấp” tương tự sẽ phát sinh rất nhiều, nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ có sự bất nhất trong cách áp dụng pháp luật của các địa phương trên cả nước.