Cho tôi hỏi hiện tại có quy định về xâm nhập gia cư bất hợp pháp không? Đối với hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp sẽ bị xử lý như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết
1. Quy định về xâm nhập gia cư bất hợp pháp
Tại Điều 22 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
- Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
- Việc khám xét chỗ ở do luật định.
=> Theo đó, "xâm nhập gia cư bất hợp pháp" là việc xâm nhập trái với quy định trên (tự ý xâm phạm vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của họ).
2. Xử lý hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp
Đứng dưới góc độ xử lý hình sự, hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể hành vi xâm phạm chỗ ở người khác thì bị xử phạt hình sự như thế nào mà chỉ quy định một số hành vi được mô tả trong Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Tại Điều 158 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
- Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
- Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như sau:
- Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
- Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
- Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.”
=> Theo đó, nếu có dấu hiệu của tội phạm, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định như trên.
Về xử phạt hành chính
Pháp luật chỉ quy định hành vi tương tự được mô tả trong Điều 158 Bộ luật Hình sự như trên như chiếm giữ trái phép tài sản (nhà ở) của người khác thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc xử phạt đối với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ theo Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực gây thương tích cho người khác hoặc chiếm, giữ tài sản (nhà ở) của người khác thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
- Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
- Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
- Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
- Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
- Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Như vậy, hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp được coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm tùy vào từng trường hợp.
Dựa vào hành vi vi phạm, mức phạt tiền mà sẽ có cơ quan có thẩm quyền tương ứng để xử phạt vi phạm hành chính như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Công an nhân dân…