Theo quy định hiện nay hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm những hành vi nào? Khai thác thuỷ sản bất hợp pháp có bị ở tù không?
Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp
Theo Điều 60 Luật Thủy sản 2017 quy định hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm:
(1) Khai thác thủy sản không có giấy phép;
(2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
(3) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
(4) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
(5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
(6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
(7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
(8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
(9) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
(10) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
(11) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
(12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
(13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
(14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực
Như vậy, hiện nay sẽ có 14 hành vi được coi là khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ mức độ.
Khai thác thuỷ sản bất hợp pháp có bị ở tù không?
Các hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP. Nếu vi phạm ở mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản như sau:
(1) Thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
- Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
- Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 này;
- Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
- Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200 đến dưới 500.000.000 đồng;
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Làm chết 02 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi được coi là khai thác thuỷ sản bất hợp pháp mà người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng hoặc bị phạt tù từ đến 10 năm.
Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bao gồm những gì?
Việc khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cũng là một trong những hành vi được coi là khai thác thuỷ sản bất hợp pháp.
Theo đó, khoản 7 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 quy định loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
Xem toàn bộ Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/15/danh-muc-quy-hiem.doc