Hãng luật và Pháp chế? Bạn nên chọn nơi nào?

Chủ đề   RSS   
  • #502473 16/09/2018

    tangoctram1101ulaw
    Top 500
    Female


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:14/10/2015
    Tổng số bài viết (134)
    Số điểm: 2194
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 83 lần


    Hãng luật và Pháp chế? Bạn nên chọn nơi nào?

    Mình vừa lướt facabook, và thấy được một bài viết rất hay liên quan đến Sự khác biệt giữa 02 môi trường làm việc: Hãng luật và Pháp chế, nên muốn chia sẻ cho cộng đồng dân luật tham khảo, để cùng tìm ra cho mình câu trả lời đối với câu hỏi: Hãng luật và Pháp chế? Bạn nên chọn nơi nào? Đặc biệt là các bạn sinh viên luật đang trên con đường định hướng tương lai cho mình. Mời mọi người tham khảo nhé:

    "Tôi thường gặp trên diễn đàn và ngoài đời thực, từ các bạn mới ra trường và cả từ các luật sư câu hỏi về sự khác biệt giữa công ty luật và pháp chế. Cũng may mắn là tôi trải qua khá nhiều môi trường (công ty nhà nước, tập đoàn tư nhân, công ty kiểm toán, công ty luật), đã làm cả pháp chế lẫn luật sư tại hãng luật. Vậy nên hôm nay xin được chia sẻ những kinh nghiệm của mình về chủ đề này, so sánh giữa hai môi trường, hãng luật và pháp chế.

    Về cơ bản, cả hai đều là công việc ngành luật, và bạn đều phải tư vấn luật, review hợp đồng, kiện tụng, thủ tục…v.v nhưng vẫn có rất nhiều điểm khác biệt. Nếu bạn đã từng trải qua cả hai môi trường rồi thì sẽ dễ để cảm nhận, nhưng đối với các bạn mới tốt nghiệp, hoặc luật sư nhưng chưa từng làm môi trường còn lại thì sẽ khó để thấy hết.

    Tất nhiên mỗi công ty luật, mỗi ban pháp chế cụ thể sẽ khác nhau, còn tùy thuộc về quy mô, danh tiếng công ty, lĩnh vực kinh doanh, và loại vị trí cụ thể: mới tốt nghiệp, có kinh nghiệm, cấp quản lý … Việc so sánh là ở mức độ tổng quát giữa các vị trí công việc và tổ chức ở mức độ tương đương nhau. 

    Lưu ý rằng đây cũng là một câu hỏi khá phổ biến trong quá trình tuyển dụng, nhất là khi chuyển từ công ty luật sang pháp chế hay ngược lại, nếu bạn ở trong tình huống này, hãy cân nhắc kỹ càng để chọn câu trả lời phù hợp, như thế sẽ tốt hơn là nói ra tất cả những điều dưới đây. Bây giờ là cụ thể các điểm khác biêt:

    1. GIỜ LÀM VIỆC

    Làm thêm giờ là một điều rất bình thường tại các công ty luật. Hãng luật càng danh tiếng thì bạn càng phải làm việc chăm chỉ. Tôi có những người bạn làm việc tại 2 công ty luật lớn nhất của Việt Nam và chứng kiến họ làm việc vào cuối tuần khá thường xuyên. Cuộc sống tại công ty luật là một chuỗi deadline vô tận, bạn sẽ không thường xuyên có nhiều khoảng trống trong ngày làm việc. 

    Làm pháp chế thì sẽ đỡ áp lực hơn về mặt thời gian. Nếu bạn biết cách quản lý công việc tốt, thường là bạn sẽ rời văn phòng đúng giờ. Tất nhiên sẽ có những công việc gấp yêu cầu bạn phải làm bất kể thời gian, tuy nhiên đó không phải là điều xảy ra hàng ngày. 

    Nếu bạn làm việc với vai trò luật sư trong các loại công ty tư vấn không phải là công ty luật, ví dụ như công ty kiểm toán kiểu big 4 (KPMG, E&Y…) hoặc các công ty tư vấn quản lý (vd: Mc Kinsey…), văn hóa về giờ làm việc cũng tương tự như tại các công ty luật.

    2. LƯƠNG

    Lương trong công ty luật thường là cao hơn so với pháp chế cho các vị trí tương đương, ngoại lệ đối với level mới ra trường/không có kinh nghiệm. Nếu một bạn mới ra trường/chưa có kinh nghiệm đi làm chuyên viên pháp chế thì bạn đấy sẽ có khả năng nhận lương cao hơn so với việc làm trợ lý luật sư tại công ty luật (sự chênh lệch, có thể ví dụ là: 4 so với 6 hoặc 7 so với 10 (triệu VND)). Sự thật khá buồn cho các bạn sinh việt luật tại Việt Nam là mức lương khởi điểm trong các công ty luật khá thấp hơn so với các ngành nghề khác. 

    Lại nói đến giờ làm việc, có một sự thật hài hước: khi tư vấn luật, bạn sẽ luôn nói với các khách hàng của mình rằng việc làm thêm giờ sẽ được trả 150% lương giờ làm bình thường theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Nhưng nếu bạn làm việc tại công ty luật, bạn sẽ tự động chấp nhận việc làm thêm giờ mà không có thêm lương. Trong kinh nghiệm của mình, tôi chưa bao giờ thấy một công ty luật nào trả lương làm thêm giờ. Duy nhất một ngoại lệ là một công ty luật của Nhật, họ trả lương cho làm thêm giờ cho các trợ lý luật sư. 

    Đối với các thông tin về lương, bạn có thể tham khảo qua các số liệu thống kê của các công ty nhân sự như Navigos, First Alliances, Adecco…v.v để nhìn thấy sự khác biệt giữa công ty luật và pháp chế. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng những thống kê của các công ty nhân sự hàng đầu sẽ được thu thập dựa vào thông tin từ các khách hàng của họ - là những công ty thuộc top trả lương cao. Ngoài ra, các công ty luật thường không hay tìm người thông qua các công ty nhân sự. Vì thế những số liệu đó sẽ không thể phản ánh cho toàn bộ thị trường luật sư, tôi nghĩ rằng con số trung bình của thị trường là tương đối nhỏ hơn.

    3. PHONG CÁCH LÀM VIỆC

    Điều này phụ thuộc rất nhiều và kỹ năng quản lý của từng cá nhân luật sư điều hành và trưởng ban/giám đốc pháp chế (TBPC), họ sẽ là những người quyết định phong cách làm việc của công ty luật hoặc phòng pháp chế. Nhưng nói chung, các hãng luật (nhất là các hãng luật quốc tế có lịch sử phát triển lâu năm) thường sẽ có một hệ thống và chuẩn mực quản lý công việc tốt hơn. Luồng công việc và phối hợp nhóm trong hãng luật thường nhịp nhàng hơn. Đối với các luật sư thuần về kiến thức chuyên môn, họ sẽ thấy dễ chịu hơn khi làm việc trong môi trường có đầy đủ các chuẩn mực, vai trò vị trí, luồng công việc đã được sắp đặt quy củ. 

    Trong khi đó, công việc pháp chế đòi hỏi khả năng độc lập xử lý công việc và kỹ năng tương tác tốt với đồng nghiệp xung quanh. Bạn cần phải biết tự mình học hỏi. Bạn sẽ dễ gặp tình huống khó xử vì việc thiếu đi những quy định rõ ràng về luông công việc và vai trò cụ thể của từng vị trí. Sự nhảy cảm để biết mình nên hay không nên làm gì là điều rất quan trọng. Trong môi trường pháp chế, mọi người mong muốn bạn có thể xử lý và hoàn thành công việc một cách độc lập, việc kiểm tra/rà soát chéo thường là rất ít trong một ban pháp chế. 

    Theo quan điểm riêng của mình, cho mục đích học hỏi thì các bạn mới ra trường nên làm việc cho các hãng luật, bởi các hãng luật thường có phong cách làm việc tốt hơn, ngoài ra tại đây, các bạn thường sẽ được các luật sư có kinh nghiệm kèm cặp và rà soát lại chất lượng công việc của bạn. Đó sẽ là cách học hỏi dễ dàng hơn cho những người mới vào nghề.

    4. KINH NGHIỆM TÍCH LŨY 

    Tại công ty luật: Các khách hàng của bạn đến từ nhiều hoàn cảnh, lĩnh vực (sản xuất, dịch vụ, kỹ thuật, bất động sản, thương mại…v.v), điều này khiến bạn sẽ phải nghiên cứu luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau khá thường xuyên. Kể cả đối với luật sư có nhiều năm kinh nghiệm, sẽ luôn luôn có những câu hỏi mới phía trước. Chính vì vậy, kiến thức pháp luật của bạn sẽ trở nên đa dạng và tổng quát. Bạn sẽ phải viết các thư tư vấn, bài nghiên cứu pháp luật đòi hỏi nhiều về sự thận trọng và có cấu trúc hàn lâm. Các sản phẩm của bạn phải nhìn đẹp trong một mẫu biểu chuyên nghiệp. Kỹ năng quản lý thời gian của bạn cũng sẽ được phát triển để phù hợp với khối lượng công việc bạn cần xử lý. 

    Pháp chế: Làm pháp chế tức là bạn sẽ có một khách hàng duy nhất với phạm vi kinh doanh nhất định, đó chính là công ty mà bạn làm việc. Điều này đòi hỏi một kiến thức chuyên môn sâu sát gắn liền với lĩnh vực kinh doanh của công ty. Khi một vấn đề pháp lý được đưa ra, người kinh doanh thường thích những bản tư vấn rõ ràng, có hiệu quả để vận dụng xử lý vấn đề hơn là một bản tư vấn chuẩn chỉnh mang tính hàn lâm. Một lợi thế khi làm pháp chế đó là bạn sống giữa môi trường kinh doanh, điều này cho bạn các cơ hội để thấy luật được áp dụng trên thực tế như thế nào và bạn sẽ thấy cách một công ty “lách luật” cụ thể thế nào. Luật sư tại hãng luật sẽ có ít cơ hội này hơn, trừ những người làm tranh tụng, vì khi đó khách hàng buộc phải tiết lộ toàn bộ sự thật và ý định sâu xa của họ. 

    Một điểm khác biệt nữa là về nghiệp vụ rà soát hợp đồng, đây là một nghiệp vụ thường gặp đối với những người làm pháp chế. 

    5. VAI TRÒ TRONG TỔ CHỨC

    Bạn sẽ có cảm giác khác biệt giữa hai môi trường. Làm luật sư trong hãng luật tức là bạn có vai trò trung tâm, bạn là một tài sản tạo ra tiền. Những giờ tư vấn tính phí và bảng tính thời gian của bạn thể hiện rõ tính lợi nhuận của bạn. Những người khác, nhân sự, hành chính, kế toán được đặt xung quang chỉ để hỗ trợ bạn. Bạn sẽ có quyền lực vì bạn chơi vai chủ chốt trong cuộc chơi. Làm pháp chế thì khác. Phòng pháp chế là một chi phí để giảm thiểu rủi ro, nó không phải là một bộ phận mang về lợi nhuận hay một bộ phận bắt buộc phải có trong một công ty. Bạn ở đó để trợ giúp mọi người, lãnh đạo công ty nhìn nhận vai trò của bạn như vậy. 

    Nếu bạn ở một công ty luật, khách hàng tìm đến bạn khi họ thực sự cần một luật sư. Họ thực sự muốn có được lời tư vấn của bạn để thực hiện hoặc để đưa ra quyết định. Trong khi đó, đối với vị trí pháp chế, trong rất nhiều trường hợp, mọi người tìm đến bạn với suy nghĩ rằng phòng pháp chế như là một cánh cổng mà họ phải đi qua. Ví dụ như nhân viên phòng bán hàng có thể đưa cho bạn một bản dự thảo hợp đồng sơ sài, anh ta chỉ mong muốn việc bán được hàng và không muốn lưu tâm đến những comments của bạn về rủi ro hợp đồng. Anh ta cần có được chấp thuận từ bạn cho HĐ vì đây là điều bắt buộc trong quy trình nội bộ của công ty. Vì thế, bạn cũng thấy có một chút “quyền lực” của người gác cổng.

    6. THĂNG TIẾN

    Trong hãng luật sẽ có nhiều thứ bậc để thăng tiến: trợ lý luật sư (paralegal/legal assistant), luật sư cấp dưới (junior associate), luật sư (associate), luật sư cấp cao (senior associate), luật sư thành viên (partner), luật sư điều hành (managing partner)…Bên cạnh đó con đường cấp bậc cũng khá hấp dẫn nếu bạn thể hiện tốt bởi đó là môi trường dễ dàng hơn để đo đếm được hiệu quả kinh tế bạn mang lại cho văn phòng. 

    Phần lớn các phòng pháp chế thường được cấu trúc thành hai loại vị trí, điều hành và nhân viên. Bạn hiểu việc thăng tiến sẽ như thế nào rồi chứ. Đừng nhầm lẫn rằng tôi nói bạn sẽ không có cơ hội để được thăng tiến, tôi chỉ muốn nói là nó ít hơn so với trong hãng luật. Về cơ bản, đó là một cái thang ít bậc. Và môi trường pháp chế cũng khó đong đếm hiệu quả của từng nhân viên hơn.

    7. CHUYỂN ĐỔI MÔI TRƯỜNG

    Việc một luật sư tại hãng luật chưa hề có kinh nghiệm pháp chế chuyển sang làm tại ban pháp chế sẽ dễ dàng hơn nhiều so với điều ngược lại. Tại sao? Lý do như đã nói đến ở trên, giờ làm việc, phong cách làm việc, chuyên môn…v.v. Tổng quát lại thì những kinh nghiệm có được tại hãng luật có thể áp dụng khi chuyển sang môi trường pháp chế một cách dễ dàng hơn. Điều này không có nghĩa là bạn không thể vào một hãng luật sau một thời gian dài chỉ làm pháp chế. Nó chỉ có nghĩa là bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để chứng tỏ sự xứng đáng của mình với nhà tuyển dụng của hãng luật, những người thường sẽ ưu tiên cho các ứng viên có kinh nghiệm làm việc tại hãng luật tương tự.

    8. DANH TIẾNG

    Bạn thường nhìn thấy tên ai trên truyền thông, báo chí, bảng xếp hạng các luật sư như Legal 500, chambers and partners, Asia law, who is who legal, hay IRFL 1000 …v.v Đúng vậy, đó là các luật sư tại các hãng dẫn đầu và những luật sư có văn phòng riêng. Vậy, có phải vì những luật sư đó có chuyên môn vượt trội so với những đồng nghiệp làm pháp chế? Không, họ là những luật sư hàng đầu nhưng bạn không nên tự động nghĩ rằng chuyên môn của họ tốt hơn tất cả những luật sư pháp chế nội bộ khác. Nếu họ nhận vị trí của một TBPC, họ sẽ vấn gặp rất nhiều khó khăn như họ chưa từng gặp. 
    Một điều đương nhiên, một hãng luật, văn phòng luật vẫn là một công ty, một thực thể kinh doanh. Nó cũng cần phải marketing, quảng cáo như tất cả các loại công ty khác. Chắc bạn hiểu tầm quan trọng của marketing trong thời đại này rồi. Như một điều tất yếu, khi một hãng luật xây dựng danh tiếng, các luật sư của họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để xuất hiện trên tạp chí, truyền thông và danh sách bảng xếp hạng luật sư. 

    Trong khi đó, các công ty mong muốn luật sư nội bộ chỉ làm việc cho riêng mình. Hãy tưởng tượng bạn sở hữu một công ty và có luật sư riêng, bạn sẽ mong muốn luật sư đó dành toàn bộ thời gian và nỗ lực để phục vụ công ty của bạn hay luật sư đó vẫn cung cấp dịch vụ cho những người khác, đó là còn chưa tính đến tư vấn cho các đối thủ kinh doanh của bạn? Rất nhiều công việc TBPC sẽ gắn với một hạn chế công việc kinh doanh riêng. Đúng vậy, đối với TBPC (mức độ cao nhất của luật sư nội bộ), họ ít khi xuất hiện trên tạp chí hay bảng xếp hạng các luật sư. 

    Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành luật sư “có tiếng”, làm việc trong hãng luật sẽ tốt hơn cho bạn. Nếu bạn làm việc trong phòng pháp chế, đừng ngây ngô nghĩ rằng nếu bạn sở hữu vốn kiến thức uyên bác và kỹ năng xuất sắc thì cộng đồng sẽ tự động biết đến bạn. Bạn phải bước ra sân khấu và thể hiện cho mọi người xung quang bạn khá như thế nào. Khi bạn làm cho một hãng luật, khách hàng và các hãng luật khác sẽ là khán giả cho sân khấu đó, và nếu bạn làm tốt, sẽ có nhiều người biết đến bạn hơn.

    9. PARTNER so với TBPC

    Tôi không biết nên dùng từ gì gọn gàng trong tiếng Việt để chỉ “Partner” (có thể dịch là “luật sư thành viên”), vì vậy nên xin giữ nguyên từ này cho nó gọn. Một partner tức là một luật sư có vốn sở hữu trong hãng luật. Thường thường thì một hãng luật sẽ có nhiều partner. 

    Nếu bạn vẫn đọc phần này thì xin cảm ơn sự kiên nhẫn của bạn! Và tôi đoán rằng bạn có thể là một người tham vọng hoặc khá tò mò…Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ trải qua hai vị trí cao nhất này và nó là xa vời. Nhưng tôi đã làm việc rất gần với những người nắm giữ vị trí này nên tôi có thể tiết lộ một số điều mà tôi biết. 

    Cả hai đều là những vị trí rất thử thách! Là TBPC có nghĩa là bạn chịu trách nhiệm toàn bộ cho hoạt động của phòng pháp chế và các vấn đề pháp lý. Bạn sẽ phải làm việc rất gần với các lãnh đạo công ty và chịu sự ảnh hưởng bởi phong cách của họ. Nếu sếp của bạn làm việc ngày đêm thì bạn cũng phải sẵn sàng ngày đêm. Cho dù bạn có là một luật sư xuất sắc thì một điều kiện tiên quyết để bạn có thể gắn bó và trụ được lâu dài như một TBPC đó là bạn phải rất “hợp” với phong cách của lãnh đạo công ty. 

    Nói về việc làm partner. Ok, bạn bắt đầu là một trợ lý luật sư, bạn làm tốt và tiến bộ, bạn trở thành một luật sư cấp cao thành công và gắn bó lâu dài với hãng luật. Tiếp theo thế nào? Hãng luật sẽ đề xuất bạn trở thành partner để ghi nhận những cống hiến của bạn. Vâng, trở thành một partner, nhiều quyền lực hơn khiến cuộc sống trở nên dễ dàng… Đó là một phần thôi, thực tế khác như vậy. Đây là một điều đã từng làm tôi rất ngạc nhiên: tôi biết và đã nghe về một số tình huống mà các luật sư Việt Nam/hay cả luật sư nước ngoài của các công ty luật nước ngoài từ chối với đề nghị trở thành partner của hãng luật mà mình đang làm việc. Vâng, đó là sự thật. Tại sao? Đề nghị trở thành partner thường gắn với điều kiện về mua phần vốn kèm theo các cam kết hiệu quả khác, điều này dẫn đến sự sụt giảm về thu nhập trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, trở thành partner, bạn không còn đơn thuần chỉ là một luật sư nữa, bạn là một doanh nhân điều hành dịch vụ pháp lý. Đó không chỉ đơn giản là một món quà mà còn là một thử thách. 

    Công việc thử thách gắn liền với phần thưởng xứng đáng. Một anh bạn luật sư của tôi từng tiết lộ anh nhận được đề nghị làm luật sư nội bộ với mức lương tháng 10K USD từ một tập đoàn trong nước! Một con số thật lớn, và đó là con số lớn nhất tôi được biết cho vị trí luật sư nội bộ. Con số trung bình thấp hơn nhiều, bạn có thể lên Vietnamwork để kiểm tra. Tôi không biết các partner thu nhập bao nhiêu nhưng tôi đoán rằng partner sẽ thu được nhiều hơn. Bạn có thể xem mục 2 - Lương để biết cách tìm hiểu so sánh lương. Ngoài khoản lương ra, partner sẽ có cổ tức/lợi nhuận từ hãng luật nhưng TBPC cũng có thể nhận thưởng và cổ phiếu thưởng từ công ty của họ, điều này làm khoảng cách nhỏ lại. 

    Nguồn: The skilled lawyers - Kỹ năng luật sư

    Cập nhật bởi tangoctram1101ulaw ngày 16/09/2018 10:02:35 CH
     
    5980 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn tangoctram1101ulaw vì bài viết hữu ích
    phapchebtg (28/08/2020) ntdieu (23/09/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận