Gương vỡ lại lành là gì? Vợ chồng tái hôn có cần đăng ký kết hôn lại không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Gương vỡ lại lành là gì?
"Gương vỡ lại lành" là một thành ngữ tiếng Việt, hàm ý chỉ mối quan hệ rạn nứt, tan vỡ có thể được hàn gắn, quay trở lại như cũ.
Thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện trong tiếng Hán có tên là Phá kính trùng viên. Chuyện kể rằng, Từ Đức Ngôn và Lạc Xương công chúa là vợ chồng, nhưng vì chiến tranh loạn lạc nên buộc phải chia ly. Trước khi chia tay, họ đã đập vỡ một chiếc gương, mỗi người giữ một nửa, hẹn rằng sau này sẽ tìm lại nhau bằng mảnh gương đó. Sau nhiều năm, hai người đã tìm được nhau và hàn gắn lại tình cảm vợ chồng.
Thành ngữ "gương vỡ lại lành" được dùng để ẩn dụ cho việc hàn gắn những mối quan hệ đã rạn nứt hoặc tan vỡ. Nó thể hiện niềm tin vào khả năng vượt qua những khó khăn, thử thách và quay trở lại với nhau.
Tóm lại, "Gương vỡ lại lành" là một thành ngữ mang ý nghĩa tích cực, thể hiện niềm tin vào khả năng hàn gắn những mối quan hệ rạn nứt. Tuy nhiên, để "gương vỡ lại lành" cần có sự nỗ lực và cố gắng của cả hai phía.
Vợ chồng tái hôn có cần đăng ký kết hôn lại không?
Căn cứ Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định đăng ký kết hôn:
- Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
- Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn:
- Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Căn cứ Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định thủ tục đăng ký kết hôn:
- Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
Theo quy định trên, vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn phải được thực hiện theo thủ tục của pháp luật.
Như vậy, vợ chồng tái hôn phải đăng ký kết hôn lại. Thủ tục tái hôn cấp xã được thực hiện như sau:
[1] Vợ chồng muốn tái hôn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên
- Việc tái hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Vợ chồng tái hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc tái hôn không thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
[2] Hồ sơ tái hôn gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Giấy tờ nhân thân
- Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án.
[3] Thủ tục tái hôn năm 2024 cấp xã như sau:
Bước 1: Nam nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
Bước 3: Nam nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn nếu đủ điều kiện
Bước 4: Công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Lệ phí tái hôn là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 quy định lệ phí hộ tịch:
- Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
+ Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
+ Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
- Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí.
Bộ Tài chính quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch.
Theo quy định trên, đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thuộc trường hợp được miễn lệ phí. Vì vậy, công dân Việt Nam cư trú ở trong nước đăng ký tái hôn thì được miễn lệ phí.