Vốn điều lệ là là một nguồn vốn rất quan trọng do cá nhân hoặc doanh nghiệp bỏ ra để thành lập công ty, đây sẽ là cơ sở để xác định quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi thành viên góp vốn sau này. Pháp luật doanh nghiệp có điều chỉnh về việc góp vốn mà người góp vốn phải tuân thủ, vậy trong trường hợp góp vốn sai hình thức thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Góp vốn điều lệ sai hình thức sẽ bị xử lý thế nào - Minh họa
Về định nghĩa
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (Căn cứ khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020)
Việc góp vốn tức là góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, có thể góp trước hoặc sau khi công ty đã được thành lập căn cứ theo khoản 18, điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2020
Pháp luật doanh nghiệp có những quy định cho thấy rằng việc góp vốn phải đảm bảo những hình thức sau đây:
Tại Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020:
“ 1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Ngoài ra tại Điều 3 của Thông tư số 09/2015/TT-BTC quy định về hình thức góp vốn:
1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.”
Từ đó có thể thấy rằng, việc cá nhân nhân góp vốn vào doanh nghiệp có thể góp bằng tiền mặt vào quỹ tiền mặt của công ty, góp vốn bằng cách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của công ty mà cá nhân đó cam kết góp vốn; Hoặc góp vốn bằng các loại tài sản khác theo quy định của điều 34 Luật doanh nghiệp 2020
Đối với doanh nghiệp góp vốn vào doanh nghiệp: Không được góp vốn bằng cách dùng tiền mặt mà chỉ có thể thông qua thanh toán bằng séc, ủy nhiệm chi,… thông qua tài khoản ngân hàng, các hình thức thanh toán khác theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Lưu ý: Hình thức thanh toán khác tực tài sản khác không phải tiền mặt những có thể quy đổi thành đồng Việt Nam căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Luật Doanh Nghiệp, định nghĩa về tài sản này có thể suy ra từ Điều 105 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp doanh nghiệp không thể dùng tiền mặt thì tài sản sẽ bao gồm vật, giấy tờ có giá, và quyền tài sản. Trên thực tế, thường là góp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật.
Trường hợp góp vốn sai hình thức sẽ bị xử phạt thế nào?
Căn cứ Khoản 8 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì việc góp vốn sai hình thức sẽ bị Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt.
Thời hạn góp vốn là 90 ngày kể ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp căn cứ theo Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020, riêng đối với các doanh nghiệp đã lỡ thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp khác trong thời hạn này bằng tiền mặt thì có thể rút lại khoản tiền mặt sau đó thực hiện hình thức góp vốn khác như chuyển khoản số tiền đó vào tài khoản của công ty định góp vốn.
Tóm lại, việc góp vốn sẽ được thực hiện bởi hai chủ thể là cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp và doanh nghiệp góp vốn vào doanh nghiệp. Các chủ thể khi tham gia góp vốn phải tuân thủ các hình thức như đã phân tích ở trên, việc góp vốn sai hình thức sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.