Trong tình huống khẩn cấp như cần cứu nạn hay phát hiện hỏa hoạn cần gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong các trường hợp không cần thiết nhưng lại gọi điện hay báo cháy giả thì sẽ bị xử lý thế nào? Gọi xe cứu hỏa đến chữa cháy thì người dân có tốn tiền không?
Gọi xe cứu hỏa đến chữa cháy có tốn phí không?
Khi phát hiện hỏa hoạn, hay xảy ra tình huống khẩn cấp cần cứu nạn, bạn cần gọi ngay cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn qua số 114.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, mọi chi phí cho công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đều do nhà nước chi trả. Người dân gọi lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến thực hiện công tác chữa cháy và CNCH sẽ không mất bất kì một khoản chi phí nào.
Như vậy, trong trường hợp cháy nổ, dù là cháy lớn hay cháy nhỏ đều phải gọi ngay cho 114. Công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn sẽ hoàn toàn miễn phí.
Xử phạt liên quan đến cháy, nổ
Khi công tác cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy xong xuôi, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ cùng bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy là do sơ xuất hay cố ý.
Nguyên nhân vụ cháy theo mức độ nào, mức phạt sẽ tương xứng, có thể chỉ phạt hành chính theo quy định tại Mục 3 Vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp, nếu vi phạm cố ý, để lại hậu quả nặng nề thì người gây ra hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Việc xử phạt đó sẽ được áp dụng đối với người vi phạm phải đóng tiền phạt theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, lực lượng phòng cháy chữa cháy không thể có mặt ngay lập tức tại thời điểm báo cháy mà còn mất thời gian di chuyển, vì thế việc báo cháy chậm trễ, khiến lửa lan rộng, đám cháy khó kiểm soát cũng là việc làm có thể bị xử phạt.
Hành vi báo cháy giả bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.
Theo đó, phạt tiền từ 04-06 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Không báo cháy, sự cố tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy sự cố tai nạn;
- Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.
Như vậy, đối với hành vi báo cháy giả, sự cố, tai nạn giả thì người vi phạm mức nặng nhất có thể phạt tiền lên đến 6 triệu đồng.
Khuyến nghị của lực lượng PCCC
Để đảm bảo công tác chữa cháy kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, khuyến nghị người dân khi phát hiện cháy nổ, hãy ngay lập tức gọi điện thoại đến số 114, kể cả cháy lớn hay cháy nhỏ. Bởi việc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có mặt kịp thời hay chậm trễ phụ thuộc vào thời gian báo cháy của người dân
Hậu quả của việc báo cháy chậm khiến cháy lớn thì đó là do mọi người chưa thông báo kịp thời. Xe chữa cháy và lính cứu hỏa khi đến được đám cháy cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định. Thời gian này phụ thuộc vào khoảng cách từ trụ sở của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường vụ cháy, tình hình giao thông trên đường đi…
Vì vậy, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân hãy tích cực phòng cháy trước khi quá muộn, khi xảy ra sự cố thì phải xử lý ngay đồng thời gọi ngay đến số 114 nhanh nhất hoặc tải App báo cháy “114” để thực hiện việc báo cháy, nổ và sự cố tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất bằng việc trực quan hóa bằng hình ảnh, video, âm thanh… để lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có mặt kịp thời, dập tắt đám cháy.