Giết thịt rắn hổ mang chúa có thể bị phạt tù đến 5 năm

Chủ đề   RSS   
  • #617310 10/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Giết thịt rắn hổ mang chúa có thể bị phạt tù đến 5 năm

    Nhiều người vì mong muốn trải nghiệm những món ăn độc lạ, đã không ngần ngại giết thịt các loại động vật hoang dã và các loài có nguy cơ tuyệt chủng, dù hành động này có thể khiến họ phải lãnh án tù lên đến 05 năm.

    (1) Giết thịt rắn hổ mang chúa có thể bị phạt tù đến 05 năm

    Vì tính tò mò hoặc do thói quen “con gì cũng ăn”, nhiều người cố tình hoặc vô tình giết thịt những loài động vật thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm. Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học và môi trường mà còn gây ra những hệ lụy về sức khỏe, cũng như các vấn đề pháp lý.

    Theo quy định tại Mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, rắn hổ mang chúa là động vật thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

    Theo đó, khoản 1 điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định như sau:

    Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    - Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

    - Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các bộ phận hoặc sản phẩm của động vật, như ngà voi (2-20 kg) và sừng tê giác (0,05-1 kg);

    - Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán đối với động vật nguy cấp Nhóm IB hoặc Phụ lục I của Công ước, với số lượng từ 3-7 cá thể thú, 7-10 cá thể chim, bò sát, và 10-15 cá thể động vật khác.

    - Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán từ 3-7 bộ phận cơ thể cùng loại của động vật theo số lượng quy định.

    - Đã bị xử lý nhưng tái phạm

    Như vậy, hành vi giết rắn hổ mang chúa là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

    Dù vô tình bắt gặp hay cố tình săn bắt mà có hành vi giết 01 cá thể rắn hổ mang chúa để làm thịt, thủ phạm có thể sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc thậm chí là phải đối mặt với án phạt tù lên đến 05 năm.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    (2) Danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm hiện nay

    Căn cứ theo quy định tại Mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ hiện nay bao gồm các loại động vật như:

    - Chồn bay hay cầy bay (Cynocephalus variegatus);

    - Voọc bạc đông dương (Trachypithecus villosus);

    - Vượn đen tuyền tây bắc (Nomascus concolor);

    - Cổ rắn hay Điêng điểng (Anhinga melanogaster);

    - Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah);

    - Rùa biển đầu to hay Quản đồng (Caretta caretta);

    - Vích (Chelonia mydas);

    ....v.v

    >>> Danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/10/dong-vat.docx

    >>> Danh mục thực vật nguy cấp, quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/10/thuc-vat.docx

    >>> Danh mục giống cây trồng nguy cấp, quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/10/cay-trong.docx

    >>> Danh mục giống vật nuôi nguy cấp, quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/10/vat-nuoi.docx

    Để tránh việc rơi vào vòng xoáy lao lý, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức về bảo vệ động vật và môi trường.

    Thay vì săn bắt hoặc tiêu thụ những loài động vật quý hiếm như rắn hổ mang chúa, chúng ta nên tìm hiểu và tôn trọng giá trị của sự đa dạng sinh học. Việc tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ động vật sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật.

    Hơn nữa, việc lựa chọn thực phẩm từ nguồn cung cấp hợp pháp và bền vững không chỉ giúp bảo vệ các loài động vật mà còn tạo ra một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho thế hệ tương lai.

    Hãy cùng nhau hành động để bảo vệ thiên nhiên và tránh xa những hành vi trái pháp luật.

     
    234 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận