Giáo viên có tham gia biên soạn giáo trình đã được xuất bản nội bộ thì có coi là đạt tiêu chuẩn của giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính không? Tiêu chuẩn của giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính là gì?
(1) Nhiệm vụ của giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính
Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH, các nhiệm vụ của giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính bao gồm:
- Giảng dạy lý thuyết hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trình độ trung cấp; giảng dạy trình độ sơ cấp; đánh giá kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp của người học
- Chủ trì hoặc tham gia tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong bộ môn, khoa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hay sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở cấp cơ sở trở lên; tổ chức hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ; viết các báo cáo khoa học, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài nước
- Chủ trì hoặc tham gia biên soạn hoặc thẩm định các chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy; thiết kế, cải tiến, chế tạo phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học, xây dựng và quản lý phòng học chuyên môn
- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bộ môn, khoa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; luyện thi cho người học tham gia kỳ thi tay nghề các cấp.
(2) Giáo viên có tham gia biên soạn giáo trình đã được xuất bản nội bộ thì có coi là đạt tiêu chuẩn của giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính không?
Để trở thành giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính phải đáp ứng được 02 tiêu chuẩn dưới đây:
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính được quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH như sau:
-Giáo viên dạy lý thuyết có bằng thạc sĩ trở lên
- Giáo viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ trung cấp theo quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
- Có văn bằng, chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ sư phạm theo quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH như sau:
1. Có kiến thức chuyên sâu về ngành, nghề được phân công giảng dạy; có kiến thức về ngành, nghề liên quan; có hiểu biết về thực tiễn nghề nghiệp, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của ngành, nghề được phân công giảng dạy;
2. Nắm vững kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, vận dụng thành thạo các kỹ năng, phương pháp sư phạm vào giảng dạy;
3. Có năng lực sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của chức danh giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính theo yêu cầu vị trí việc làm;
4. Nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và công nghệ; biết tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng những kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn nghề nghiệp;
5. Chủ biên hoặc tham gia biên soạn 01 (một) giáo trình hoặc 01 (một) sách chuyên khảo hoặc 02 (hai) chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy đã xuất bản;
6. Chủ trì hoặc tham gia thực hiện 01 (một) nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu trở lên hoặc là tác giả chính của 01 (một) bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc trong nước (trong danh mục có tính điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước);
7. Đạt giải trong Hội giảng cấp tỉnh hoặc chủ trì hoặc tham gia thiết kế, chế tạo ít nhất 01 (một) đồ dùng, thiết bị dạy học đạt giải trong Hội thi thiết bị tự làm cấp tỉnh hoặc đạt giải trong các cuộc thi, kỳ thi khác cấp tỉnh hoặc bồi dưỡng được ít nhất 01 (một) giáo viên, giảng viên đạt giải trong Hội giảng cấp tỉnh hoặc bồi dưỡng được ít nhất 01 (một) người học đạt giải trong cuộc thi, kỳ thi khác cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên;
Theo đó, để trở thành giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính, viên chức cần phải đạt một trong 03 tiêu chuẩn ở điểm 5, 6, và 7 về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu không đạt được thì một trong 02 tiêu chuẩn còn lại phải đạt gấp hai lần.
Như vậy, trường hợp viên chức tham gia biên soạn 01 giáo trình phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy đã xuất bản thì đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 10 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH
(3) Điều kiện về thời gian công tác
Để được thăng hạng lên giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính, viên chức cần phải đáp ứng đủ điều kiện về thời gian công tác.
Cụ thể tại điểm h khoản 3 Điều 10 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH quy định viên chức trước khi được thăng hạng lên giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính phải giữ các chức danh sau đây từ đủ 09 năm trở lên:
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết - Mã số V.09.02.07
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hạng III - Mã số V.09.02.07
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành - Mã số V.09.02.08
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành hạng III - Mã số V.09.02.08
- Giáo viên trung học - Mã số 15.113
- Giáo viên trung học (chưa đạt chuẩn) - Mã số 15c.207 hoặc tương đương
Trong đó, thời gian gần nhất giữ các chức danh sau đây tối thiểu là 01 năm (đủ 12 tháng):
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết - Mã số V.09.02.07
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hạng III - Mã số V.09.02.07
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành - Mã số V.09.02.08
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành hạng III - Mã số V.09.02.08
Trên đây là bộ tiêu chuẩn để thăng hạng thành giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính dành cho viên chức, căn cứ theo Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.