Liên quan đến quy định về yêu cầu bằng ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên, tham khảo quy định Thông tư liên tịch: số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/9/2015, số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015, số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015, số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 đã quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp, và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên từng cấp học thuộc giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Tại Công văn 521/BGDĐT-NGCBQLCSGD năm 2016 thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Trong đó có đề cập đến nội dung:
"1. Về việc chuyển từ ngạch giáo viên sang hạng chức danh nghề nghiệp: Theo quy định tại Điều 8 của các Thông tư, tất cả giáo viên hiện đang ở các ngạch giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng (hướng dẫn cụ thể tại các Thông tư), giữ nguyên bậc lương, thời điểm tăng lương, phần trăm (%) và phụ cấp thâm niên, vượt khung (nếu có) như hiện tại và sẽ thực hiện các quyền lợi về lương theo hạng viên chức vừa được chuyển xếp, không yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tất cả những điều kiện tiêu chuẩn của từng hạng viên chức quy định tại các Thông tư. Giáo viên có trách nhiệm và được cơ quan tạo điều kiện để học tập, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn chưa đạt. Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn này là điều kiện tiên quyết để giáo viên được thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp."
Hiện tại, theo quy định về chuyển từ ngạch giáo viên sang chức danh nghề nghiệp không yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tất cả những điều kiện tiêu chuẩn của từng hạng viên chức quy định tại các Thông tư trên.