Giáo viên đã nghỉ hết ngày phép năm thì có được xin nghỉ tự túc hay nghỉ không hưởng lương không? Trường hợp được nghỉ không hưởng lương thì được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
1. Quy định về nghỉ tự túc - nghỉ không hưởng lương của giáo viên là viên chức
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 13 Luật viên chức 2010 quy định về quyền của viên chức về nghỉ ngơi. Theo đó, viên chức được:
- Nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
- Nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 115 Bộ Luật lao động 2019: ngoại trừ các trường hợp nghỉ việc riêng, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
=> Như vậy, khi giáo viên đã dùng hết số ngày nghỉ phép năm và muốn nghỉ tự túc, nghỉ không hưởng lương thì cần xin phép đơn vị trường học để được nghỉ. Giáo viên được nghỉ không lương phải đảm bảo 02 điều kiện là có lý do chính đáng và phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị.
2. Giáo viên được nghỉ không hưởng lương tối đa bao nhiêu ngày?
Theo quy định tại Điều 115 Bộ Luật lao động 2019 về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày đối với trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn và phải thông báo với người sử dụng lao động.
Theo đó, giáo viên là viên chức được nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật về lao động như trên. Khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn thì giáo viên được nghỉ không hưởng lương 01 ngày.
Còn đối với các trường hợp nghỉ không hưởng lương khác, hiện tại pháp luật không có quy định về số ngày nghỉ tối đa mà vấn đề này sẽ do giáo viên và đơn vị trường hợp tự thỏa thuận với nhau.
3. Xử lý kỷ luật viên chức đối với giáo viên nghỉ trái phép:
Căn cứ tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức như sau:
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;
- Vi phạm quy định của pháp luật về: thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản.
=> Theo đó, trường hợp trường học không cho phép giáo viên nghỉ mà giáo viên vẫn nghỉ tự túc không đúng theo quy định trong quy chế của trường thì trường học áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, nhắc nhở giáo viên bằng văn bản.
Sau đó giáo viên vẫn tiếp tục vi phạm thì tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo hình thức cảnh cáo, cách chức, buộc thôi tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Như vậy, giáo viên có thể thỏa thuận với đơn vị trường học để xin nghỉ tự túc - nghỉ không hưởng lương khi có lý do chính đáng và phải được đơn vị đồng ý. Số ngày nghỉ tối đa cũng sẽ do hai bên thỏa thuận. Trường hợp giáo viên nghỉ mà không được sự đồng ý sẽ bị xử lý kỷ luật viên chức theo quy định của pháp luật.