Về vấn đề của bạn, quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ đề cập trách nhiệm của công ty nhằm duy trì người đại diện theo pháp luật tại Việt Nam. Hiện không có quy định nào về việc công ty vi phạm quy định này thì mặc nhiên hủy bỏ tư cách của người đại diện theo pháp luật, tức là dù vi phạm khi không ủy quyền cho chủ thể khác khi ra nước ngoài thì cá nhân đó vẫn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp có người đại diện theo pháp luật vi phạm chỉ bị xử phạt theo Điều 51 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư:
"Điều 51. Vi phạm về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Không ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm đại diện hoặc ủy quyền bằng văn bản đã hết hạn nhưng không gia hạn khi người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp xuất cảnh khỏi Việt Nam;
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc ủy quyền cho người khác làm đại diện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;"
Đối với vấn đề ký hợp đồng với ngân hàng thì đây chỉ là quan hệ giao dịch thông thường. Việc gặp ký trực tiếp với nhau hay ký gián tiếp (một bên ký trước rồi chuyển cho bên kia ký sau) là tùy vào thỏa thuận của hai bên, không phụ thuộc vào việt một bên ký hợp đồng có đang ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Do đó, nếu ngân hàng đồng ý thì vẫn có thể gửi ra nước ngoài ký với người đại diện theo pháp luật, hợp đồng phát sinh trong trường hợp này vẫn có giá trị pháp lý như thông thường.